Liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng bền vững

Ngày 11-9, “Diễn đàn nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam” được tổ chức trực tiếp tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và trực tuyến với 1.000 điểm cầu trên cả nước. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì điểm cầu tại Bộ NN-PTNT.
Người dân huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch sầu riêng
Người dân huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch sầu riêng

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam hiện có hơn 112.000ha sầu riêng với tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn. Năm 2023, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nay, hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng. Tình trạng trên dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu; nguy cơ làm suy giảm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (trụ sở tại TPHCM), cho biết, đối với mùa vụ sầu riêng tại Đắk Lắk năm nay, đơn vị có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, giá sầu riêng hiện nay tăng quá cao, khiến một số đối tác, khách hàng muốn cắt giảm đơn hàng. Theo ông Lê Anh Trung, tập đoàn liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, kế hoạch liên kết bị thất bại do bị các thương lái, “cò” đến vườn để chốt, đặt cọc trước khiến nhiều nhà vườn tự phá liên kết. Chính sách liên kết thất bại sẽ gây khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư sau này.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển thì phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ. “Phải tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất với nhau. Doanh nghiệp và người dân phải chuyển mối quan hệ từ “thuận mua vừa bán” sang hợp tác. Phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, mã số vùng trồng hiện mới dừng ở việc khuyến khích, thời gian tới sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.

Tin cùng chuyên mục