Vào lúc 16 giờ 45 phút giờ GMT ngày 19-3 (tức 23 giờ 45 phút cùng ngày giờ VN), máy bay chiến đấu của Pháp đã khai hỏa ở Libya, mở đầu cho chiến dịch quân sự thực thi nghị quyết của LHQ.
Hàng chục máy bay tiêm kích tham gia
Hàng tin AFP cho biết máy báy Pháp đã không kích một phương tiện quân sự của lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gaddafi tại thành phố Benghazi - thành trì của lực lượng nổi dậy tại Libya. Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết có khoảng 20 máy bay chiến đấu tham gia các chiến dịch ở Libya để tăng cường cho vùng cấm bay và ngăn không cho quân của nhà lãnh đạo Libya tấn công quân nổi dậy.
Hành động khai hỏa của Pháp diễn ra sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh đột xuất quy tụ các nhà lãnh đạo của Mỹ, Châu Âu và Arab diễn ra tại Paris để quyết định phương thức hành động quân sự có thể áp dụng đối với các lực lượng trung thành với ông Gaddafi. Ngay sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và các nước phương Tây tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm vào các lực lượng của Chính phủ Libya, máy bay tiêm kích Mirage và Rafale của Pháp đã tiến vào không phận thành phố Benghazi, thành trì của lực lượng nổi dậy tại Libya.
Hãng tin AFP trích dẫn tuyên bố của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa ra sau cuộc họp cấp cao khẩn cấp ở Paris cho biết hành động quân sự ở Libya nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc không kích nào tấn công thành phố Benghazi, cũng như sẵn sàng tấn công xe tăng của chính phủ để bảo vệ thành phố này.
Kênh truyền hình Al Arabiya cũng đưa tin máy bay Italia đã bắt đầu sứ mệnh giám sát Libya sau khi các máy bay của Pháp đã bắt đầu trinh sát đất nước Bắc Phi này. Pháp, Anh và Canada có thể cùng tiến hành đợt tấn công mở đầu trước khi NATO tiến hành các chiến dịch quy mô lớn hơn. Mỹ nhiều khả năng sẽ tham gia sau đó và tiếp đến là các quốc gia Arab.
Trước đó, theo các hãng tin nước ngoài, giao tranh đã diễn ra ác liệt xung quanh thành phố Benghazi. Các cuộc không kích, đạn xe tăng và pháo kích đang làm rung chuyển thành phố bên bờ Địa Trung Hải này. Hàng ngàn người đang tháo chạy về phía Đông khi xe tăng của quân chính phủ tiến vào Benghazi. Còn Đài Truyền hình quốc gia Libya đưa tin người dân sống tại Benghazi đang giao tranh với quân nổi dậy tại thành phố lớn thứ hai của quốc gia Bắc Phi này và đã đẩy lui lực lượng nổi dậy khỏi “hai phần ba” thành phố cảng này. Trong khi đó, kênh truyền hình quốc gia Libya đưa tin hàng trăm người dân nước này đã tụ tập tại Bab al-Aziziyah, trụ sở đầu não của nhà lãnh đạo Gaddafi, và sân bay quốc tế trước khi các cuộc oanh kích diễn ra.
Ai vi phạm lệnh ngừng bắn?
Tình hình tại thành phố Benghazi rơi vào hỗn loạn, nhưng chưa thể xác minh bên nào vi phạm lệnh ngừng bắn của LHQ trước. Lực lượng chống đối cáo buộc quân chính phủ pháo kích và sử dụng máy bay oanh tạc thành phố này vào sáng 19-3. Họ tố cáo lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tối 18-3 đã nhanh chóng tiến gần thành phố Benghazi bất chấp chính phủ đã tuyên bố một lệnh ngừng bắn.
Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin trung tâm Benghazi cùng ngày đã bị pháo kích, lực lượng của ông Gaddafi đã tìm cách đột kích thành phố này từ bờ biển và từ phía Nam thành phố. Tuy nhiên, chính phủ Libya tố cáo, trong khi quân đội chính phủ đã ngừng mọi hoạt động quân sự nhằm tôn trọng tuyên bố ngừng bắn đưa ra ngày 18-3 thì lực lượng nổi dậy vi phạm lệnh ngừng bắn khi tấn công quân chính phủ ở thị trấn Al-Magroun, gần thành lũy của phe nổi dậy ở thành phố Benghazi.
Hãng thông tấn chính thức Jana đăng tải một tuyên bố của chính phủ Libya cho biết các nhóm Al-Qeada đã tấn công quân chính phủ ở phía Tây Benghazi và họ đã đáp trả để tự vệ. Tuyên bố cáo buộc lực lượng nổi dậy sử dụng “máy bay trực thăng và một máy bay tiêm kích dội bom lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi trong một động thái rõ ràng vi phạm vùng cấm bay do Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt”.
Hãng tin AFP cho biết, một máy bay tiêm kích bị bắn hạ trên bầu trời thành phố Benghazi ở miền Đông do quân nổi dậy kiểm soát. Chính phủ Libya tuyên bố quân chính phủ sẽ kháng cự nếu bị lực lượng nổi dậy tấn công, đồng thời đề nghị cộng đồng quốc tế cử quan sát viên tới Libya giám sát lệnh ngừng bắn và tìm hiểu sự thật những gì đang diễn ra tại nước này.
Ông Gaddafi ra đi hay tuyên chiến?
Kết thúc cuộc họp chuẩn bị hành động quân sự chống nhà lãnh đạo Gaddafi tại Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: Mỹ và liên minh đã chuẩn bị cho hành động quân sự ở Libya. Tuyên bố trên của ông Obama là những lời lẽ rõ ràng nhất của Mỹ kể từ sau khi HĐBA LHQ thông qua một nghị quyết cho phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ người dân Libya.
Cùng ngày, nhà lãnh đạo Libya M. Gaddafi tuyên bố nghị quyết của LHQ cho phép nước ngoài can thiệp quân sự tại quốc gia này là “vô giá trị”, đồng thời cho biết ông đã gửi một thông điệp tới Tổng thống Mỹ B. Obama để bảo vệ quyết định tấn công các thành phố phản loạn.
Một phát ngôn viên cho biết, nhà lãnh đạo Gaddafi cũng đã gửi thư cho Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron, trong đó khẳng định họ sẽ “hối tiếc” khi can thiệp vào công việc nội bộ của Libya và gọi mọi hành động nào như thế là “bất công” và “sự xâm lược rõ ràng”. Ông nhấn mạnh các cường quốc thế giới không có quyền can thiệp vào Libya. Nhà lãnh đạo Libya đã gửi thư đến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, trong đó khẳng định: “Tôi được tất cả người dân Libya ủng hộ và họ sẵn sàng chết vì tôi”.
Động thái của Mỹ cùng đồng minh phương Tây khiến nhiều người liên tưởng tới những gì đã diễn ra tại Nam Tư, Bosnia, Iraq... Một lần nữa, kịch bản Nam Tư khi mà không quân NATO mở cuộc không kích xâm lược chống Nam Tư với tuyên ngôn “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, có thể sắp tái diễn ở Libya.
Mục đích cuối cùng của nghị quyết thiết lập vùng cấm bay ở Libya của phương Tây phải là sự ra đi của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi chứ không phải chỉ là ngừng bắn. Đằng sau những mỹ từ về dân chủ, nhân quyền vẫn sẽ là những khoản lợi nhuận khổng lồ từ dầu mỏ, những toan tính chiến lược và chính trị nội bộ của lãnh đạo một số cường quốc phương Tây.
* Kết thúc cuộc họp, thêm một số nước như Qatar, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy cũng cam kết sẽ tham gia vào các hành động can thiệp quân sự của LHQ vào Libya. Italia và Tây Ban Nha sẽ hỗ trợ chiến dịch cầu hàng không. Các máy bay chiến đấu của Tây Ban Nha, Mỹ, Canada và Đan Mạch cũng đã sẵn sàng ở căn cứ không quân Italia. Thủ tướng Bỉ cũng cho biết các chiến đấu cơ F-16 của nước này hiện cũng đã có mặt ở miền Nam Hy Lạp. Pháp khẳng định hôm nay (20-3), tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ lên đường đến tham gia chiến dịch quân sự ở Libya. Quân đội Mỹ sẽ triển khai bổ sung các tàu đổ bộ tới Địa Trung Hải, trong đó tàu đổ bộ USS Bataan sẽ được triển khai vào 23-3 “trước ngày dự kiến trước đó nhằm phối hợp với tàu đổ bộ USS Kearsarge hiện đã có mặt ở Địa Trung Hải”. |
Xuân Hạnh
Diễn biến bất ổn tại Libya
>> 15-2: Biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tại thành phố Benghazi.
>> 20-2: Người biểu tình tấn công Đài Truyền hình quốc gia Al-Jamahiriya 2 và Đài Phát thanh Al-Shababia, đồng thời đốt các văn phòng của Tòa nhà Quốc hội, phóng hỏa các trạm cảnh sát.
>> 21-2: Nhiều nhà ngoại giao Libya tại nhiều nước tuyên bố cắt đứt quan hệ với ông Gaddafi để phản đối các cuộc tấn công người biểu tình do lực lượng của ông gây ra.
>> 23-2: Gaddafi đã ra lệnh cho lực lượng an ninh phá hủy các cơ sở sản xuất dầu mỏ ở nước này.
>> 28-2: LHQ, EU và Mỹ thông qua gói trừng phạt đối với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và chính phủ của ông này.
>> 1-3: Lực lượng của chính phủ Libya giành lại được kiểm soát các thị trấn gần thủ đô Tripoli.
>> 3-3: Lực lượng ủng hộ ông Gaddafi giành quyền kiểm soát kho dầu ở Brega, cách thủ đô Tripoli 800km về phía Đông.
>> 10-3: Pháp là quốc gia đầu tiên công nhận phe nổi dậy ở Libya và Libya lên kế hoạch cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp.
>> 11-3: Pháp và Anh kêu gọi tấn công Libya trong khi LHQ thông báo đã có 250.000 người rời bỏ Libya đến các nước láng giềng.
>> 17-3: Quân đội Chính phủ Libya giành quyền kiểm soát thành phố Ajdabiya, tiến đến tấn công đại bản doanh của lực lượng nổi dậy Benzagi.
>> 18-3: HĐBA LHQ thông qua nghị quyết áp đặt vùng cấm bay tại Libya.
Hà Nhi
Thực lực của Libya
Lực lượng trung thành với ông Gaddafi hiện nay ngoài Lục quân, còn có 5 lữ đoàn Vệ binh Jamihiria, 1 lữ đoàn Cận vệ cách mạng và Lữ đoàn Vệ binh 32. Chính các đơn vị này cùng với 6 tiểu đoàn commando do các chuyên gia nước ngoài huấn luyện là những đơn vị có khả năng chiến đấu tốt nhất và trung thành với ông Gaddafi. Các đơn vị này tuyển quân từ những người đồng hương và cùng bộ tộc với nhà lãnh đạo Libya.
Libya có hơn 800 xe tăng, trong đó có khoảng 200 chiếc T-72M1, số còn lại là những xe tăng lạc hậu, ngoài ra còn có khoảng 1.300 đang được cất giữ. Về tên lửa đường đạn chiến thuật, họ có tới 120 hệ thống đã cũ nhưng tin cậy là Elbrus (Scud) và Luna-M. Tổng cộng, Libya có hơn 400 máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng, trong đó có hơn 200 máy bay chiến đấu Mirage do Pháp chế tạo và 100 máy bay MIG-25 mua từ Nga, 7 máy bay ném bom tầm xa TU-22B.
Đặc biệt lực lượng tên lửa phòng không của Libya sẽ là mối nguy rất lớn đối với máy bay Mỹ và NATO. Lực lượng này gồm hơn 200 tên lửa đất đối không, trong đó có các loại SAM-2, SAM-5, SAM-6 và SAM-7. Lực lượng tiến công chủ lực là 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-200VE có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 250km. Ngoài ra, còn có 3 lữ đoàn tên lửa phòng không S-125 và 5 lữ đoàn tên lửa phòng không quá lạc hậu S-75.
Mặc dù so với mặt bằng chung trong khu vực châu Phi, không quân Libya khá mạnh và đông quân, nhưng nhiều nguồn tin cho biết phần lớn số vũ khí được lưu kho ở tình trạng không tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn niêm cất và từ lâu không còn hoạt động được. Kinh tế Libya phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn thu từ lĩnh vực dầu khí, trên thực tế chiếm toàn bộ nguồn thu từ xuất khẩu và khoảng 1/4 GDP.
Các nguồn thu từ dầu khí đó cộng với số dân ít khiến Libya trở thành một trong những quốc gia có GDP trên đầu người cao nhất châu Phi (khoảng 13.800 USD/năm) và cho phép nước này cung cấp cho người dân một hệ thống an sinh xã hội cao và rộng rãi đáng kinh ngạc, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và giáo dục.
So sánh với các nước láng giềng theo định hướng thị trường, Libya có mức nghèo tuyệt đối và tương đối khá thấp. Trong ba thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Libya đã có những nỗ lực thực hiện quá trình cải cách kinh tế như một phần của chiến dịch rộng lớn hơn nhằm tái hòa nhập cộng đồng quốc tế. Nỗ lực này càng gia tăng sau khi LHQ dỡ bỏ cấm vận Libya vào tháng 9 năm 2003.
Tuy nhiên, ngày 15-3, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết hoạt động sản xuất dầu tại Libya gần như bị đình trệ hoàn toàn vì tình hình bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này, đồng thời cũng cảnh báo về một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng nếu giá dầu tiếp tục ở mức cao.
H.Chi
Vùng cấm bay là gì?
- Nguyên tắc
Cụm từ này để chỉ toàn bộ hay một vùng không phận của một quốc gia, vùng lãnh thổ bị phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ, ngăn cấm không cho mọi loại máy bay của đối phương xâm nhập trái phép. Bất cứ trường hợp nào trái với quy định này sẽ bị bắn hạ hay bị buộc phải hạ cánh. Lực lượng thực hiện quy định này có trang thiết bị để quan sát và chiến đấu là máy bay tiêm kích. Họ có thể triển khai lực lượng trên các sân bay bạn hay đồng minh, hay trên hàng không mẫu hạm ở quanh vùng cấm bay. Không chiến có thể xảy ra ngay trong vùng cấm bay hoặc vùng lân cận.
- Mục đích
Việc quy định vùng cấm bay nhằm ngăn chặn một quốc gia, vùng lãnh thổ tấn công vào chính người dân của mình hoặc để thực thi lệnh cấm vận với quốc gia, vùng lãnh thổ ấy. Trong khi đó, Tạp chí Chính sách Đối ngoại của Mỹ cho rằng vùng cấm bay là một sự thỏa hiệp trong bối cảnh cộng đồng quốc tế muốn dừng bạo lực bằng hành động quân sự gây nhiều tranh cãi.
- Những vùng cấm bay được biết đến
Gần đây, vùng cấm bay được xem là một chiến thuật được lưu tâm. Ở Iraq, giai đoạn 1991-1992, miền Bắc và miền Nam nước này đã bị áp đặt vùng cấm bay. Lệnh cấm bay năm 1992 đối với miền Nam đã được áp dụng mà không cần có nghị quyết của LHQ. Năm 1993, vùng cấm bay xuất hiện phía Nam Bosnia. Khi ấy, 4 máy bay tiêm kích của Serbia đã bị NATO bắn hạ.
N.Quỳnh
>> Phương Tây chuẩn bị tấn công Libya