Hiện nay, do thiếu sự liên thông về thủ tục hành chính giữa công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nên người dân phải mất rất nhiều thời gian thực hiện nhiều thủ tục riêng lẻ khác nhau tại các tổ chức, cơ quan như tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai, kho bạc, cơ quan thuế… Sắp tới, các thủ tục hành chính về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế sẽ được liên thông một cửa.
Người dân làm thủ tục nhà đất tại TPHCM. Ảnh: ĐA THIỆN
“Một cửa” tại tổ chức công chứng
Mặc dù thời gian qua thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà đất đã được rút gọn, nhưng do thiếu sự liên thông nên không chỉ làm mất nhiều thời gian, gây phiền phức cho người dân, doanh nghiệp, mà việc thực hiện từng thủ tục riêng lẻ ở các cơ quan, tổ chức còn dẫn đến sự chia cắt thông tin, gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, có thể tạo điều kiện cho tiêu cực, tranh chấp liên quan đến bất động sản. Thực tế, có những trường hợp, cá nhân, tổ chức tuy đã ký kết hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng nhưng sau đó không làm các thủ tục tiếp theo tại Văn phòng Đăng ký đất đai nên cơ quan này không cập nhật được thông tin biến động về quyền sử dụng đất, đồng thời cơ quan thuế cũng không thu được thuế đối với các hợp đồng, giao dịch này.
Để rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, cũng như nhằm hạn chế những bất cập nêu trên, Bộ Tài chính cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế. Theo đó, các bộ đã đề xuất một đầu mối tiếp nhận và trả kết quả giải quyết chuỗi các thủ tục hành chính (công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế) chính là tổ chức hành nghề công chứng.
Cụ thể, người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ yêu cầu công chứng và hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký biến động về đất đai, hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính tại tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức hành nghề công chứng tiến hành tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thực hiện công chứng. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức hành nghề công chứng gửi phiếu yêu cầu cung cấp thông tin địa chính đến Văn phòng Đăng ký đất đai để yêu cầu cung cấp thông tin về thửa đất. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, văn phòng này cung cấp thông tin gửi tổ chức hành nghề công chứng.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì tổ chức hành nghề công chứng gửi phiếu yêu cầu đo đạc, tách thửa, hợp thửa hoặc phiếu yêu cầu kiểm tra bản trích đo địa chính của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình đến Văn phòng Đăng ký đất đai. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được phiếu yêu cầu đo đạc địa chính (tách thửa, hợp thửa), văn phòng này sẽ đo đạc địa chính để chia, tách thửa đất, gửi kết quả đến tổ chức hành nghề công chứng để bổ sung, hoàn thiện số liệu vào hợp đồng, giao dịch trước khi thực hiện chứng nhận hợp đồng, giao dịch. Sau khi công chứng hợp đồng giao dịch, tổ chức hành nghề công chứng chuyển hồ sơ tới Văn phòng Đăng ký đất đai (hoặc bộ phận một cửa theo quy định của từng địa phương). Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà người yêu cầu công chứng ủy quyền cho tổ chức hành nghề công chứng nộp thay thì tổ chức hành nghề công chứng thu tiền tạm ứng, ghi biên lai tạm thu để làm cơ sở thanh toán và thực hiện nộp tiền. Sau đó, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc trả kết quả của chuỗi thủ tục liên thông cho người sử dụng đất.
Giảm 7-8 lần đi lại còn 1 lần
Ban soạn thảo cho biết, việc áp dụng mô hình liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình tối giản số lần đi lại làm thủ tục hành chính. Cụ thể, thay vì phải đi lại 7 - 8 lần như hiện nay thì người dân chỉ đi đến duy nhất một đầu mối là tổ chức hành nghề công chứng để nộp hồ sơ và nhận kết quả.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định phía tổ chức hành nghề công chứng thực hiện ủy quyền của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cũng rút ngắn số lượt đi, về so với quy định hiện tại mà người dân phải làm. Cụ thể: Không phải chứng thực các giấy tờ liên quan tại UBND cấp xã; không phải xin xác nhận của đơn vị vào hóa đơn, chứng từ đã nộp tiền sử dụng đất (nếu có); không phải làm thủ tục tách, hợp thửa riêng biệt trước khi đăng ký biến động… “Vì tổ chức hành nghề công chứng sẽ luân chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền nên sẽ giảm bớt được các hồ sơ trùng lắp, không cần thiết. Ngoài ra, chi phí thực hiện một quy trình thủ tục liên quan tới đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giảm đáng kể”, đại diện ban soạn thảo thông tư liên tịch cho hay.
Ngoài ra, theo mô hình liên thông này, thay vì cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phải thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa trước khi thực hiện đăng ký biến động, tổ chức hành nghề công chứng sẽ liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai để đo đạc thực địa hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính của người dân sau đó mới chứng nhận hợp đồng. Từ đó có thể khắc phục được tình trạng không công nhận lẫn nhau kết quả giải quyết thủ tục giữa các cơ quan như hiện nay.
HÀ PHƯƠNG