13 năm trước, bản dự thảo Nghị định thư Kyoto liên quan đến Chương trình khung về biến đổi khí hậu của LHQ đã được ký kết tại Nhật Bản với mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vì mục đích vô cùng thiết thực, ngay sau khi Nghị định có hiệu lực vào năm 2005, gần 180 quốc gia đã ký kết tham gia.
Những tưởng việc hợp tác thực hiện sẽ thuận lợi như mong muốn, thế nhưng cùng với thời gian, những mâu thuẫn xung quanh Nghị định thư ngày càng lớn. Tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP-16) đang diễn ra ở thành phố Cancun (Mexico), Nghị định thư Kyoto lại được đưa ra mổ xẻ trong không khí căng thẳng.
Theo các bên tham dự hội nghị, Nhật Bản đã dội gáo nước lạnh vào sự quan tâm của các phái đoàn khi khẳng định sẽ không ký gia hạn bất cứ mục tiêu cắt giảm khí thải nào trong giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto.
Tất nhiên, hầu hết các nước đều bất ngờ và phản đối quyết định của Nhật Bản. Các nước cho rằng Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto là thành quả của quá trình đàm phán lâu dài, Nhật Bản không thể bỏ cuộc giữa chừng. Đại sứ đặc trách chống biến đổi khí hậu ở Brazil Sergio Serra nhấn mạnh thái độ cự tuyệt của Nhật Bản sẽ cản trở đàm phán ở COP-16. Giải thích quyết định của mình, Nhật Bản chỉ đặt câu hỏi “tại sao phải tiếp tục chung tay trong khi mà 2 quốc gia gây ô nhiễm nghiêm trọng - Mỹ và Trung Quốc lại không đồng lòng góp sức?”.
Chánh Văn phòng nội các Yoshito Sengoku cho rằng Nghị định thư Kyoto không có sự công bằng và hiệu quả cần thiết để các nước phải tiếp tục tuân theo. Nhật Bản muốn có một thỏa thuận mới với những ràng buộc chặt chẽ, nhất là về mặt pháp lý. Họ không muốn việc ký kết được giám sát lỏng lẻo, nhất là đối với những nước phát triển có lượng khí thải dẫn đầu trên thế giới hiện nay như Trung Quốc (có lượng khí thải nhiều nhất thế giới), Ấn Độ, Brazil, Mỹ… Theo Nhật, một thỏa thuận duy nhất có giá trị khi tất cả các bên có liên quan cùng tham gia.
Thực chất, tuyên bố của Nhật Bản không hoàn toàn mới nhưng các nước và các tổ chức phi chính phủ e ngại thái độ cương quyết lần này của Nhật sẽ tạo nên hiệu ứng domino, phá vỡ những cam kết đã đạt được giữa các quốc gia trước đó. Nhiều nước lo rằng sẽ có một số quốc gia theo chân Nhật Bản, ví như Nga hay Canada, hai nước đang thiên về ý tưởng tìm một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto. Những người lạc quan thì vẫn tin còn có những cuộc gặp bên lề nhằm tìm kiếm giải pháp cho bài toán khí thải. Xét cho cùng, quyết định của Nhật Bản có thể trở thành “liều thuốc đắng” tạo hy vọng mới trong nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia để chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Như Quỳnh