Nhắc đến bộ đội công binh là người dân nghĩ ngay đến hình ảnh anh bộ đội cẩn thận rà soát, tháo gỡ bom, mìn, vật liệu nổ; không màng tính mạng giúp dân trong bão lũ...
Ít ai biết, bộ đội công binh thời bình còn ra sức tìm tòi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác. Các anh giải thích, làm tốt công việc mình đảm trách chính là phục vụ tốt nhân dân và cũng là cách học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ một cách thiết thực nhất.
Thượng úy Hồ Xuân Thân cẩn thận kiểm tra bộ đèn LED trước khi mang ra thao trường huấn luyện
Kỹ lưỡng từng milimet
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đâu đó trên mỗi tấc đất, dưới lòng sông, những trái bom, mìn vẫn ẩn mình, chờ ngày phát nổ. Những nơi bom đạn từng cày xới ấy đều in dấu chân bộ đội công binh. Ở Đại đội 5, Tiểu đoàn 741, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7), nhiệm vụ rà soát, thu gom, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ được chỉ huy, cán bộ cùng chiến sĩ thực hiện nhịp nhàng, kỹ lưỡng. Như lời các anh nói, chỉ cần sót 1 milimet đất là có thể bỏ qua vỏ đạn, mảnh bom, hậu quả để lại cực kỳ nguy hại.
Vùng sình lầy và dưới nước là nơi khó triển khai và thực hiện việc rà soát, thu gom bom, mìn, vật liệu nổ. Trong khi, vị trí có kênh, rạch, sông, suối… lại là những nơi bom đạn sót lại nhiều. Chưa kể, “sống chung” với nước, bom, mìn hay đạn thường bị oxy hóa nên tín hiệu dò tìm luôn yếu hơn trên cạn. Do đó, bên cạnh trang thiết bị dò tìm, xử lý hiện đại, bộ đội công binh cần có sức khỏe, kiên trì, tinh thần vững vàng và khả năng chịu áp lực cao. Xuồng cao su chở máy dò có tính năng phát hiện tất cả các loại kim loại. Khi máy phát tín hiệu thì phần nào hình dạng vật thể sẽ hiển thị trên màn hình. Nếu vật thể hiển thị hình dạng giống bom, mìn…; ngay tức khắc, một thợ lặn mang thiết bị xuống kiểm tra. Nếu xác định đúng đây là vật thể cần xử lý thì hai người khác sẽ xuống đào, dùng dây buộc vào để bên trên kéo lên. Có nhiều trường hợp, các anh phải tìm cách ngăn dòng nước mới đưa vật thể lên bờ an toàn. Đặc biệt, gặp mìn trên cạn cũng như dưới nước, không phải cứ lấy cuốc đào lên, mang đi là xong. Những người lính công binh còn phải đề phòng những vật thể khác có thể là “bẫy” xung quanh quả mìn. Tín hiệu của các loại vật thể cũng không giống nhau. Các anh căn cứ vào âm thanh của tín hiệu để triển khai phương thức xử lý phù hợp. Đấy là kinh nghiệm của những người từng trải, như cán bộ, chỉ huy. Có rất nhiều tình huống phức tạp mà chỉ có những “lão làng” mới đủ khả năng “giải quyết”. Do đó, nhiệm vụ của cán bộ chỉ huy đơn vị công binh không còn là đôn đốc điều động nữa, mà là “xắn tay áo” vào làm.
Thượng tá Nguyễn Thành Nghị, Phó Chính ủy Lữ đoàn Công binh 25, cho biết bộ đội công binh thực thi nhiệm vụ rà soát, tháo gỡ đều nắm vững nguyên lý, cấu tạo từng loại bom, mìn, vật liệu nổ. Đơn cử, có nhiều quả đạn ra khỏi nòng súng phải bay đủ độ xa, xoay đủ vòng mới phát nổ. Nhiều khi có người nhặt lên, chỉ sơ ý xoay một vài vòng là đạn phát nổ ngay trên tay. Vì thế, mỗi thao tác xử lý đòi hỏi độ chuẩn xác, tỉ mỉ rất cao; chỉ cần một sai sót nhỏ nhất là có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm. Do vậy, bộ đội công binh luôn làm việc với cường độ cực kỳ căng thẳng.
Cán bộ trẻ tìm tòi sáng kiến, cải tiến
Nhắc đến bộ đội công binh là nhắc đến bom, mìn, công trình xây dựng, cứu hộ cứu nạn… Ít ai biết, thi đua cùng những đơn vị khác, các anh ra sức tìm hiểu phương thức đổi mới trang thiết bị đặc chủng. Sáng kiến, cải tiến dù giản đơn nhưng phục vụ tốt cho nhiệm vụ thực tế. Theo Thượng tá Đặng Văn Đạt, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 25, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp đơn vị phát hiện nhiều cán bộ trẻ có tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, ý thức trách nhiệm trong ứng dụng giải pháp công nghệ mới. Mỗi giải pháp đều gắn liền với việc nâng cao chất lượng phục vụ nhiệm vụ của từng cá nhân, tập thể. Các sáng kiến, cải tiến đều có nét mới, tính sáng tạo đặc thù riêng và được đầu tư nghiên cứu khá kỹ lưỡng.
Điển hình, sáng kiến “Tăng đơ chỉnh cáp tời ca nô BMK - T” do nhóm tác giả: Thượng úy Hồ Xuân Thân, Trung úy Trần Thế Công, Thiếu úy Đinh Tuấn Phan (thuộc Tiểu đoàn 741) là giải pháp hoàn toàn mới, dễ chế tạo, phục vụ tốt trong công tác huấn luyện chuyên ngành vượt sông, ứng cứu lụt bão, cứu hộ cứu nạn. Sáng kiến góp phần nâng cao rõ rệt hiệu quả và chất lượng công tác huấn luyện, tiết kiệm thời gian, công sức, nhiên liệu và nâng cao tính an toàn trong huấn luyện. Hay bộ đèn LED phục vụ nhiệm vụ vượt sông ban đêm của Thượng úy Hồ Xuân Thân. Trước kia, khi huấn luyện vượt sông ban đêm, chỉ huy cầm đèn pin ra hiệu lệnh. Ánh sáng từ đèn pin tỏa rộng, không tập trung thẳng một hướng nên gây nhiều khó khăn khi phối hợp tác chiến giữa các bộ phận. Sau một thời gian quan sát, tìm hiểu ưu, nhược điểm của đèn LED, Thượng úy Hồ Xuân Thân quyết định thiết kế bộ đèn LED dùng cho chỉ huy và đèn LED phục vụ cả quá trình tác chiến trên sông vào ban đêm. Các bộ đèn gắn từng màu đèn tương ứng với từng khẩu lệnh của chỉ huy, từng giai đoạn tác chiến. Trước khi huấn luyện, chỉ huy phổ biến ý định, tín hiệu đèn (xe di chuyển về phía hạ lưu thì đèn chỉ huy bật màu xanh, thượng lưu bật màu đỏ…). Từ đó, bộ đội công binh chỉ cần căn cứ vào màu đèn phát sáng từ tay chỉ huy để thực thi nhiệm vụ. Tương tự, các trụ đèn nhiều màu giúp các bộ phận tham gia huấn luyện nhận biết thông tin nhanh chóng, kịp thời chuẩn bị công việc tiếp theo. Đèn LED phát ánh sáng xa, không tỏa sáng rộng nên đảm bảo được yếu tố nhanh, bất ngờ, bí mật…
Các anh bảo, làm tốt công việc mình đảm trách chính là phục vụ tốt nhân dân và cũng là cách học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ một cách thiết thực nhất.
|
KỲ LÂM