Linh hoạt trong xét ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ

Tuần qua, văn bản của Bộ GD-ĐT về việc ngừng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh IELTS để xét tuyển thẳng, miễn môn thi hoặc cộng điểm ưu tiên đối với học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Một số ý kiến cho rằng, việc quy đổi chứng chỉ IELTS thành các chế độ ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, qua đó tạo động lực thúc đẩy phong trào dạy và học ngoại ngữ ở các trường THCS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc đề cao các chứng chỉ ngoại ngữ tạo ra sự không công bằng trong tuyển sinh, đẩy người học vào cuộc đua ôn luyện để có chứng chỉ ngoại ngữ.

Hiện nay, băn khoăn lớn nhất của các địa phương là quy định ưu tiên về chứng chỉ ngoại ngữ đã được áp dụng từ nhiều năm trước nhưng đến năm học này, Bộ GD-ĐT mới yêu cầu chấn chỉnh. Thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố kế hoạch và phương thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành các chế độ ưu tiên trong tuyển sinh sẽ khiến địa phương bị động trong công tác tuyển sinh. Các trường học, học sinh và phụ huynh cũng bị ảnh hưởng do xáo trộn kế hoạch học tập. Do vậy, việc điều chỉnh phương án tuyển sinh (nếu có) nên áp dụng từ năm học 2024-2025 chứ không thể đột ngột, tạo nhiều hoang mang trong dư luận.

Theo quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GD-ĐT ban hành, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm được giao về các Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố tổ chức. Trong bối cảnh mỗi địa phương có điều kiện kinh tế, chính sách phát triển giáo dục và đặc thù học sinh khác nhau, Bộ GD-ĐT không nên cấm hoàn toàn việc các địa phương sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ xét ưu tiên cho học sinh tham gia tuyển sinh lớp 10; song nên có thêm hướng dẫn về tỷ lệ xét ưu tiên, mở rộng chứng chỉ ngoại ngữ trên cơ sở khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để không tạo ra thế độc quyền, qua đó giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh.

Tin cùng chuyên mục