(SGGP). – Ngày 11-1, tại phiên họp bế mạc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội các đại biểu đã cho ý kiến về Luật Biển Việt Nam và giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng đoàn giám sát, có những địa phương trong 5 năm ban hành hàng ngàn văn bản, nhưng có nơi chỉ ban hành vài trăm văn bản. Mặc dù phạm vi giám sát lần này không đi sâu vào nội dung VBQPPL do các cấp chính quyền ban hành, song qua báo cáo và tổng hợp kết quả kiểm tra, rà soát từ các địa phương có thể thấy số lượng văn bản quy phạm pháp luật sai sót có xu hướng giảm dần, nhất là văn bản của HĐND.
Tuy nhiên, vẫn có những địa phương ban hành văn bản có nội dung trái quy định của các cơ quan nhà nước cấp trên, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xây dựng... Trong khi đó, một số vấn đề mang tính nổi cộm, bức xúc trong thực tế điều hành lại chưa có văn bản điều chỉnh, chẳng hạn như việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, quy hoạch khu dân cư ở nông thôn. Đặc biệt, “một số văn bản có các quy định thuận lợi cho cơ quan nhà nước nhưng lại gây khó khăn cho người dân” - ông Phan Trung Lý nhận xét.
Góp ý vào báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu chấm dứt tình trạng ban hành các văn bản dưới hình thức công văn, kết luận, thông báo và các loại hình văn bản hành chính thông thường khác có chứa quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng nghị quyết cần nêu rõ “giao Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2004”; quy định rõ HĐND, UBND phải bảo đảm hình thức, trình tự, thủ tục, nội dung văn bản phải hợp hiến, hợp pháp, không trái các văn bản cấp trên. HĐND, UBND các cấp không được dùng công văn, thông báo, kết luận để đề ra các nội dung có quy phạm pháp luật.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu nghị quyết cần làm rõ hoạt động giám sát của HĐND trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu lại các quy định pháp lý về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền và vị trí pháp lý của văn bản được ban hành; đồng thời đưa ra biện pháp để kịp thời kiểm soát các loại văn bản quy phạm pháp luật do các ngành, các cấp ban hành.
A.THƯ
>> Bế mạc Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII