Mặc dù đã chủ động các biện pháp phòng chống, nhưng một số dịch bệnh tại TPHCM lẫn các tỉnh, thành vẫn diễn biến phức tạp. Một số dịch bệnh, nhất là ở trẻ, đang có chiều hướng gia tăng bất thường và tạo nên ổ dịch, gây lo lắng cho người dân. Trong mùa tựu trường, cơ quan quản lý y tế quan ngại dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan trong trường học.
Ổ dịch bệnh… chết người
Trong khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đích thân lên Tây Nguyên tìm cách dập dịch sốt xuất huyết (SXH) thì tại TPHCM, dịch bệnh này vẫn chưa lắng xuống kể từ đầu năm đến nay. Thậm chí tại huyện Hóc Môn vừa xuất hiện một ổ dịch SXH khiến nhiều người mắc. Báo cáo của Sở Y tế cho thấy ổ dịch nguy hiểm đã xuất hiện tại tổ 10, ấp 1, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, khởi phát từ ngày 22-7 đến ngày 12-8 làm 5 người mắc, trong đó 1 người tử vong. Chưa hết, sau đó tại khu vực ổ dịch tiếp tục xuất hiện 4 ca mắc SXH. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8-2016, số ca mắc SXH nhập viện bình quân mỗi tuần 200 ca, tăng lên so với tháng 5 và 6.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khám và điều trị 40 - 50 em chẩn đoán SXH, trong khi điều trị nội trú luôn quá tải, bình quân 80 - 100 em tại Khoa SXH. Các BV Nhi đồng 2, Khoa Nhi A BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng tương tự. Đặc biệt, SXH người lớn cũng gia tăng khi BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận hàng chục ca mắc trong tuần qua. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, qua giám sát 10.979 điểm nguy cơ SXH ngoài cộng đồng thì phát hiện có đến 3.440 điểm nguy cơ có lăng quăng, chiếm 31%. Ngoài ra, TP còn phát hiện thêm 723 điểm nguy cơ mới phát sinh dịch SXH. Các địa bàn tập trung chủ yếu dịch SXH là các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và quận Thủ Đức. Trong đó, ở Bình Chánh qua kiểm tra 108 khu phố - ấp thì phát hiện có đến 106 khu phố - ấp có nguy cơ cao về SXH. Địa bàn quận Thủ Đức có đến 76% khu phố - ấp và huyện Hóc Môn có 53% khu phố - ấp có nguy cơ về SXH.
Theo Sở Y tế, cộng dồn từ đầu năm đến nay, số ca bệnh SXH lên tới gần 9.000 ca và tăng so với cùng kỳ năm trước là 72%, trong đó đã ghi nhận 3 ca tử vong. Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cùng với xu hướng của thế giới, dịch SXH ở Việt Nam vẫn phức tạp. Vấn đề xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, di dân... khiến bệnh SXH vẫn tồn tại, lây lan và phát triển. Trong khi năng lực ngành y tế có hạn, không thể một mình giải quyết được!
Lo dịch “tràn” về TP
Không chỉ SXH đang bùng phát mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên như Bến Tre, Đắk Lắk, Lâm Đồng, mà bệnh bạch hầu ở Bình Phước, dịch bệnh hô hấp cũng đang có nguy cơ tạo ra các đợt dịch lây lan. Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 trong tuần qua cho thấy hàng ngàn trẻ đến khám mỗi ngày. Riêng BV Nhi đồng 1, ngày cao điểm có đến trên 5.000 trẻ khám ngoại trú và nội trú, trong đó một phần không nhỏ mắc các bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn. “Thời tiết đang trong mùa ẩm thấp, mưa nhiều khiến trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên”, lãnh đạo Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 cho biết. Cùng với đó, dịch bệnh tay chân miệng cũng đang âm thầm diễn tiến với trung bình mỗi tuần trên địa bàn TP ghi nhận 120 - 150 ca bệnh. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay đã gần 3.000 ca. “Đang mùa tựu trường, khả năng dịch bệnh tay chân miệng lây lan trong trường học là không thể tránh khỏi, thậm chí tạo ra những ổ dịch bệnh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 quan ngại.
Trong khi đó, trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, có nguy cơ xâm nhập vào TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã đưa vaccine DPT4 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) vào tiêm chủng cho trẻ từ 18 - 48 tháng, nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, dù từ năm 2015 đến nay, TP chưa xuất hiện ca mắc bạch hầu nào nhưng khả năng xuất hiện ca bệnh rất cao. Do đó, ngoài việc tăng cường giám sát và chủ động phòng chống dịch bạch hầu, TP phải tổ chức tiêm và tiêm vét vaccine bổ sung DPT4 cho trẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, một số dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nhất là dịch SXH rơi vào đỉnh dịch trong tháng 9 - 10 tới. “Sở đã chỉ đạo yêu cầu các quận, huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp điều tra vùng nguy cơ SXH và có giải pháp khoanh vùng diệt lăng quăng, diệt muỗi, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói. Ông cũng cho biết đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch phòng chống kịp thời bệnh dịch lây lan trong trường học sắp tới. Tuy nhiên, hơn hết, bác sĩ Hưng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống các dịch bệnh bằng cách tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, giữ gìn vệ sinh ăn uống, sinh hoạt tại gia đình, công sở và cộng đồng.
| |
LÂM TƯỜNG