Đâu phải đến khi xảy ra câu chuyện thương tâm của một bé gái 3 tuổi - con của cặp vợ chồng làm công nhân ở huyện Thuận An tỉnh Bình Dương bị bảo mẫu hành hạ dã man, chúng ta mới giật mình nhìn lại lỗ hổng trong thực thi chính sách xã hội, phúc lợi ở các khu chế xuất-khu công nghiệp (KCX-KCN) hiện nay. Thử hỏi, có bao nhiêu nhà trẻ, trường học được xây dựng đáp ứng nhu cầu gởi trẻ, cho con đi học của các gia đình công nhân nhập cư tại các KCX-KCN trong cả nước?
Vì thu nhập thấp, vì không có điều kiện gởi con ở những nhà trẻ công và nhà trẻ tư nhân đạt chuẩn nên nhiều gia đình công nhân đành nhắm mắt gởi con ở các điểm giữ trẻ chui với giá rẻ, thích ứng việc tăng ca thường xuyên. Trong khi nhu cầu gởi trẻ ngày càng tăng theo con số thu hút lao động ở khu vực này thì bài toán xây nhà trẻ, trường học ở bên ngoài hàng rào KCX-KCN vẫn chưa có lối ra.
Nhờ các chính sách ưu tiên khuyến khích đầu tư, sau gần 20 năm phát triển, các KCX-KCN ở các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn đã trở thành tâm điểm thu hút hàng trăm ngàn lao động trẻ, nhập cư từ khắp mọi miền quê đến làm việc. Chỉ tính riêng 46 KCX-KCN nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã thu hút gần 600.000 lao động nông thôn, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam (chiếm gần 60% nguồn thu ngân sách).
Tuy nhiên, do phát triển với tốc độ quá nhanh và chỉ chăm bẳm vào mục tiêu chính là lợi nhuận bằng cách xây dựng nhiều nhà máy, lấp đầy mặt bằng nên hầu hết các KCX-KCN đều xem nhẹ chính sách phúc lợi, chăm lo toàn diện đời sống người lao động. Vì chạy theo những con số tăng trưởng nhanh nên ngay từ khi lập dự án hình thành KCX-KCN, người ta đã xem nhẹ quy hoạch, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ, trường học, điểm vui chơi giải trí…
Nhiều năm qua, dù đã cảnh báo và xới lên nhiều lần, các vấn đề xã hội bức xúc như nhà ở, nơi giữ trẻ, chốn vui chơi giải trí dành cho công nhân lao động ở các KCX-KCN vẫn trở thành điệp khúc cũ -chưa có gì chuyển biến.
Đánh giá về tình hình phát triển khu công nghiệp với vấn đề lao động - việc làm ở nước ta, TS Nguyễn Hữu Dũng (Bộ LĐTB-XH) cho rằng việc phát triển các KCX-KCN không gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, phúc lợi xã hội ở bên ngoài KCX-KCN như nhà ở, văn hóa, vui chơi, giải trí… là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bức xúc hiện nay. Kết quả khảo sát cho thấy, bức tranh xã hội phức tạp, lộn xộn của người lao động ở hầu hết các KCN được khái quát bằng cụm từ “5 không”. Đó là: không nhà ở, không gia đình, không sinh hoạt đoàn thể, không văn hóa, không an toàn.
Thật xót xa và buồn lòng vì thực tế này! Chúng ta phát triển nhanh các KCX-KCN là tốt nhưng việc thiếu quan tâm đến chất lượng, yếu tố bền vững, nhất là về mặt xã hội, trong đó có thụ hưởng phúc lợi của đội ngũ công nhân lao động là điều khó chấp nhận. Thật thiếu công bằng khi công nhân lao động ở các KCX-KCN đã dâng hiến sức trẻ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của từng vùng và cả nước nhưng họ không được thụ hưởng một phần thành quả đóng góp của mình! Vì sao, đến giờ này ở hầu hết các KCX-KCN, nhà trẻ, trường học, điểm vui chơi… dành cho con em công nhân vẫn là con số khiêm tốn? Lỗ hổng về hưởng thụ phúc lợi, sự thiệt thòi của công nhân bên ngoài hàng rào KCN ai lo và đến bao giờ lấp đầy?
KHÁNH BÌNH