Ngày 24-11, thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2014 đã giảm 0,27% so với tháng trước. Với sự sụt giảm này, so với cùng kỳ năm trước (tháng 11-2013), CPI mới tăng 2,6% và so với tháng 12-2013 chỉ tăng 2,08%.
Như vậy, khả năng lạm phát cả năm 2014 chỉ tăng dưới 3%, như dự báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội tuần trước, là hoàn toàn có cơ sở. So với mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% trong năm 2014 mà Quốc hội thông qua cuối năm ngoái, con số thực tế của chỉ tiêu này là quá thấp. So với dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế hay các cơ quan điều hành và giám sát kinh tế vĩ mô trong nước (lạm phát năm 2014 của Việt Nam khoảng 5%), lạm phát thực tế của năm 2014 cũng thấp hơn. Liệu đây có phải là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế?
Với người dân, lạm phát thấp được hiểu một cách đơn giản là giá cả hàng hóa, dịch vụ thấp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì rõ ràng đây là tin mừng. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tổng thể của nền kinh tế thì không đơn giản như vậy? Về lý thuyết, lạm phát có mối quan hệ ràng buộc mật thiết với tăng trưởng. Nếu lạm phát được kiềm chế ở mức hợp lý thì sẽ có lợi cho tăng trưởng, và ngược lại nếu lạm phát quá cao hoặc quá thấp thì sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho tăng trưởng. Ở Việt Nam, hệ quả của giai đoạn lạm phát cao (2010 - 2012) gây tác động xấu cho tăng trưởng kinh tế đã rất rõ ràng. Chính vì thế, từ năm 2012 đến nay kiềm chế lạm phát ở mức thấp luôn là mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Nhưng liệu chúng ta có quá tay hay không khi chỉ số CPI từ đầu năm 2014 đến nay luôn ở mức quá thấp và có nhiều tháng tăng trưởng âm? Ngay từ hồi giữa năm 2014, đã từng có chuyên gia kinh tế lo lắng rằng kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu phát, và kiến nghị cần có gói kích thích kinh tế để hạn chế tác động tiêu cực của tình trạng này đến tăng trưởng kinh tế.
Thiểu phát trong kinh tế học là lạm phát ở tỷ lệ rất thấp. Đây được xem là một vấn nạn trong quản lý kinh tế vĩ mô. Cho đến nay, không có tiêu chí chính xác tỷ lệ lạm phát bao nhiêu phần trăm một năm trở xuống thì được coi là thiểu phát. Một số tài liệu kinh tế học cho rằng tỷ lệ lạm phát ở mức 3% - 4%/năm trở xuống được gọi là thiểu phát. Tuy nhiên, ở một số quốc gia phát triển, tỷ lệ lạm phát 3% - 4%/năm lại được cho là hoàn toàn trung bình, chứ chưa phải thấp đến mức được coi là thiểu phát. Còn với Việt Nam, lạm phát dưới 3% trong năm 2014 có được xem là thiểu phát hay không? Đây chắc là vấn đề cần được các nhà kinh tế và điều hành chính sách xem xét, nhưng nếu xét trong mối tương quan với tăng trưởng thì dường như con số lạm phát dưới 3% không có nhiều ảnh hưởng. Theo báo cáo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội, tăng trưởng GDP năm 2014 vẫn có khả năng đạt trên 5,8% - nghĩa là cao hơn so với mục tiêu đề ra từ năm ngoái.
Nhưng dù thế nào, việc lạm phát ở mức dưới 3% so với mức mục tiêu 7% vẫn là nỗi băn khoăn lớn. Bởi điều đó là biểu hiện rõ nhất của việc tổng cầu chưa được cải thiện, và như thế tăng trưởng dù đạt kế hoạch, có lẽ chưa đi vào quỹ đạo bền vững. Những tác động của lạm phát thấp cần được phân tích thấu đáo để việc điều hành vĩ mô thực sự nhịp nhàng và bền vững. Được biết, vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 tới đây, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng ký kết một bản quy chế về phối hợp trong điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô. Đây có lẽ sẽ là cơ hội để điều hành lạm phát không còn tiếp tục “vỡ kế hoạch” như thời gian qua.
BẢO MINH