Mặc dù Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương khẳng định thị trường thực phẩm cho Tết Nguyên đán 2016 đảm bảo dồi dào, không để biến động về giá nhưng điều làm người tiêu dùng lo nhất hiện nay là liệu tất cả các thực phẩm đều đảm bảo an toàn vệ sinh và không có chất cấm?
Không sợ thiếu
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hoạt động chăn nuôi và cung ứng thực phẩm thịt trên cả nước đang có những điều kiện thuận lợi do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, thị trường đầu ra và giá đều ổn định. Từ nhiều tháng nay, do người chăn nuôi có lãi nên đang tích cực mở rộng đàn, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2016. Theo thống kê, đàn trâu cả nước hiện có 2,56 triệu con, tăng 0,6% so với cùng kỳ và đàn bò đạt 5,38 triệu con, tăng 2%. Tương tự, các chuyên gia về thực phẩm cho biết với đàn heo hiện duy trì khoảng 28,2 triệu con - tăng 3,7% và đàn gia cầm khoảng 342,2 triệu con - tăng 4,3%... sẽ không lo giá cả bị đẩy lên vào dịp cận tết như các năm trước. Ngoài ra, những tháng giáp tết, các doanh nghiệp cũng tăng mạnh việc nhập khẩu thịt bò, thịt gà và trái cây về Việt Nam tiêu thụ.
Cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra thực phẩm tại một siêu thị ở Hà Nội
Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, cùng với sản lượng thịt thì rau xanh, trái cây hiện nay cũng khá dồi dào. “Hiện cả nước có hơn 1,1 triệu ha rau, dự tính đạt xấp xỉ 3 triệu tấn rau xanh phục vụ dịp Tết Nguyên đán”, ông Nguyễn Như Cường nói.
Chỉ sợ mất an toàn
Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Báo SGGP cho thấy, mặc dù giá thịt và gia cầm đang ổn định ở mức có lợi cho người tiêu dùng suốt nhiều tháng nay và giảm chỉ còn bằng 70% - 80% so với năm trước, nhưng tâm lý chung của nhiều bà nội trợ là cả rau, thịt và trái cây đều không đảm bảo an toàn. Nhiều người hoang mang không biết nên chọn mua thực phẩm nào. Bằng chứng là vừa qua, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các vụ thịt thối, thực phẩm chứa kháng sinh, chất tăng trọng, rau phun hóa chất bảo vệ thực vật…
Đối với nhóm hàng có nguồn gốc thực vật, ông Nguyễn Như Cường cho biết, Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với hai địa phương là TPHCM và Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố lân cận để bàn kế hoạch cung ứng rau quả tươi sạch cho thị trường hai thành phố lớn, bằng việc thiết lập chuỗi cung ứng rau quả an toàn. Tại TPHCM, hiện đã có sự phối hợp khá tốt giữa cơ quan chức năng về quản lý thị trường thực phẩm và các khu vực vệ tinh nằm trong chuỗi. Ở các vùng rau “vệ tinh”, hiện các doanh nghiệp đã ký hợp đồng chịu trách nhiệm cung ứng rau quả an toàn cho các siêu thị cũng như các chợ đầu mối của TPHCM. Tại Hà Nội, hiện mới đang nghiên cứu áp dụng theo mô hình này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là người tiêu dùng không biết mua thực phẩm sạch ở đâu vì không biết chỗ nào đáng tin tưởng. Vì vậy, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu sở NN-PTNT các tỉnh thí điểm xác nhận sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn (bao gồm cả rau củ, trái cây và thịt) để người tiêu dùng có thể yên tâm tin tưởng và mua được những thực phẩm sạch, đã được cơ quan nhà nước kiểm tra, xác nhận. Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ xác nhận thực phẩm sạch để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, áp dụng với rau sạch và trái cây. Còn với các mặt hàng thịt hiện vẫn còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, các địa phương đang nỗ lực xây dựng 5 vùng thịt an toàn dịch bệnh để phục vụ các thị trường lớn như Hà Nội và TPHCM.
VĂN PHÚC