Lò mổ lậu tràn lan, nhà máy giết mổ gia súc gặp khó

Phản ánh qua Đường dây nóng Báo SGGP, bạn đọc cho biết nhiều lò mổ gia súc lậu vẫn ngang nhiên hoạt động. Trong khi đó, do không thể cạnh tranh với giết mổ lậu và giết mổ thủ công, nhiều nhà máy giết mổ công nghiệp ở TPHCM và tỉnh Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ chết yểu.

Mỗi ngày lượng heo giết mổ tại nhà máy của Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình rất ít so với công suất
Mỗi ngày lượng heo giết mổ tại nhà máy của Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình rất ít so với công suất

Nhà máy bỏ không vì thiếu heo

Năm 2018, Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM) do Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Hóc Môn làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 5,6ha, đi vào hoạt động với hai nhà xưởng có công suất 4.000 con/ngày. Thế nhưng 4 năm qua, hoạt động giết mổ công nghiệp của nhà máy chủ yếu chỉ cung cấp nguồn thịt heo cho các chợ đầu mối (bán thịt mảnh) và sản lượng giết mổ bình quân chưa đạt mức 500 con/ngày. Dự kiến, đến ngày 31-12-2022, xưởng số 2 của nhà máy có thể tăng công suất lên 1.000 con heo/ngày, đạt 50% công suất thiết kế, nhưng phải trong điều kiện có nguồn heo sống do thương lái kinh doanh tại các chợ chuyển về để giết mổ. Còn nếu không thì nhiều máy móc, dây chuyền giết mổ của nhà máy sẽ tiếp tục “trùm mền”.

Đầu năm 2019, nhà máy giết mổ của ông Nguyễn Bá Thành (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) được khánh thành và đưa vào hoạt động. Để xây dựng được nhà máy giết mổ hiện đại, phục vụ giết mổ bò, gà và heo, ông Thành đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng, trong đó phần lớn vốn là đi vay mượn. Thế nhưng đến nay, nhà máy của ông Thành phải đóng cửa một phần do không có heo để giết mổ.

Ông Thành buồn bã cho biết, dù nhà máy có công suất giết mổ 700 con heo/ngày nhưng lúc mới đi vào hoạt động, mỗi ngày chỉ giết mổ khoảng 2 con heo. Hiện nay, lượng heo đưa đến giết mổ nhiều hơn trước nhưng chỉ mới đạt được 10% so với công suất thiết kế.

Tương tự, cuối tháng 6 vừa qua, nhà máy giết mổ tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai của Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình được khánh thành và đưa vào hoạt động. Để xây dựng được lò giết mổ bò, heo, gà với công suất gần 3.000 con/ngày này, Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua đất và xây dựng nhà máy. Thế nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, lò mổ quy mô và hiện đại bậc nhất tỉnh Đồng Nai đang rơi vào cảnh đìu hiu, nhiều máy móc, dây chuyền giết mổ bỏ không vì không có heo để giết mổ.

Chật vật cạnh tranh với giết mổ lậu

 Theo ông Nguyễn Bá Thành, nguyên nhân khiến người dân không đưa gia súc, gia cầm vào cơ sở công nghiệp của ông để giết mổ là do các lò mổ lậu trên địa bàn huyện Trảng Bom vẫn còn hoạt động. Lò giết mổ lậu có chi phí rẻ, kiểm dịch và vệ sinh an toàn lỏng lẻo chứ không khắt khe như lò mổ công nghiệp, nên phần lớn người dân vẫn thích hơn.

Còn ông Nguyễn Viết Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Việt Long Bình, cho biết, khi bắt tay đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp quy mô hiện đại ở phường Long Bình, ông được UBND TP Biên Hòa cam kết sẽ dẹp bỏ các lò mổ lậu và các lò mổ tạm nằm ngoài quy hoạch để nhà máy giết mổ công nghiệp có thể hoạt động thuận lợi. Trên thực tế, cam kết này của chính quyền địa phương chưa được thực hiện triệt để.

Cụ thể, theo quyết định của UBND TP Biên Hòa thì đến ngày 6-8-2022, toàn bộ 14 cơ sở giết mổ thủ công nằm ngoài quy hoạch buộc phải ngừng hoạt động. Thế nhưng đến nay, đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày quyết định của UBND TP Biên Hòa có hiệu lực, chỉ mới có 3 cơ sở tuân thủ quy định, các cơ sở khác vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, một số cơ sở bị lập biên bản xử phạt giết mổ trái phép nhưng sau đó vẫn hoạt động công khai trở lại. Chưa kể, ngay tại phường Long Bình (TP Biên Hòa), còn có gần 100 điểm giết mổ lậu đang ngày đêm hoạt động và cung cấp một lượng lớn thịt heo chưa qua kiểm dịch ra thị trường.

Trong khi đó, ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn, cho rằng, để nhà máy nâng tổng sản lượng giết mổ công nghiệp của hai nhà xưởng (xưởng số 1 và xưởng số 2) đến ngày 31-12-2022 là 2.000 con/ngày và đến tháng 6-2023 là 3.000 con/ngày thì buộc các cơ sở giết mổ thủ công đóng trên địa bàn phải chấm dứt hoạt động theo quy định của thành phố. Ngoài ra, UBND TPHCM cần tăng cường công tác kiểm soát hoạt động kinh doanh giết mổ trái phép, mua bán lấn chiếm lề đường, chợ tự phát..., tạo điều kiện cho chợ đầu mối, các nhà máy giết mổ gia súc của thành phố hoạt động ổn định và phát triển, đồng thời có biện pháp hạn chế hoặc không cho phép lượng heo giết mổ thủ công ở các tỉnh lân cận đưa về thành phố tiêu thụ.

Ông Liêm cũng thừa nhận, dù rất tâm huyết đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng, để cung ứng thịt gia súc, gia cầm đạt an toàn vệ sinh đến nhân dân thành phố, nhưng việc quản lý khai thác kinh doanh của nhà máy đang gặp rất khó khăn khi tình trạng giết mổ lậu, thủ công vẫn tràn lan như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục