Lở mồm long móng trên heo: Vĩnh Lộc A và B có nguy cơ cao

Lở mồm long móng trên heo: Vĩnh Lộc A và B có nguy cơ cao
Lở mồm long móng trên heo: Vĩnh Lộc A và B có nguy cơ cao ảnh 1

Trại chăn nuôi của một hộ dân nhập cư ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh xả nước thải, phân heo ra ngay trên đồng ruộng. Ảnh: L. LONG

Sau đợt dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn heo 2 xã Vĩnh Lộc A và B, huyện Bình Chánh, TPHCM vào đầu năm 2007, Trạm Thú y huyện Bình Chánh cho biết, đến tháng 11, xã Vĩnh Lộc A còn 99 hộ nhập cư nuôi 10.879 con heo (trước đây là 105 hộ với 11.869 con), xã Vĩnh Lộc B còn gần 70 hộ nhập cư nuôi 7.000 con (trước đây là 79 hộ),  giảm 5% hộ nuôi và 10% tổng đàn.

Nhưng gần đây, hộ dân nhập cư thuê đất nuôi heo có chiều hướng tăng trở lại. Hầu hết các trại, chuồng heo được dựng tạm bợ, nhưng lại nuôi với lượng lớn (ít nhất 50 con/chuồng), vẫn còn tình trạng đưa heo từ ngoài tỉnh vào, không rõ nguồn gốc, không tiêm phòng...

Thức ăn cho heo thu gom từ phần dư thừa các bếp tập thể, phụ phẩm rau xanh từ các chợ khiến heo dễ bị nhiễm bệnh. Nước thải, phân heo vẫn xả trực tiếp ra các con kênh hoặc ngay dưới lòng đường cống thoát nước sinh hoạt chung của khu dân cư. Các hộ nuôi thường dùng lốp cao su làm chất đốt đun nấu thức ăn cho heo, gây ô nhiễm môi trường…

UBND 2 xã Vĩnh Lộc A, B cho biết, sau khi xảy ra đợt dịch LMLM, địa phương đã thông báo 6 nội dung về phòng chống dịch LMLM xuống từng các trại nuôi của các hộ nhập cư, nhằm chấn chỉnh tình hình chăn nuôi. Mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và tuyên truyền tiêm phòng vaccine LMLM cho đàn heo, vận động các hộ dân có đất cho thuê ngưng hợp đồng cho thuê đất đối với người nhập cư chăn nuôi heo… Nhưng các hộ nuôi heo đối phó bằng nhiều cách như xin nuôi tiếp vài tháng, đợi heo đến lứa xuất chuồng sẽ trả lại mặt bằng đất thuê. Nhưng khi đoàn công tác đến kiểm tra, lại thấy có đàn heo con mới.

Tháng 10 vừa qua, địa phương đã phát hiện, xử lýù (tiêu hủy) 4 trường hợp vi phạm với 71 con heo chưa qua kiểm dịch, tiêm phòng, vận chuyển lậu từ Bình Định vào nuôi tại 3 hộ ở 2 xã. Việc tiêm phòng vaccine LMLM, nhiều hộ nuôi né tránh, không tiếp xúc và không thực hiện tiêm phòng gia súc theo quy định hoặc chỉ tiêm phòng một vài con, mang tính đối phó... Dù TP hỗ trợ 50% giá thuốc tiêm phòng vaccine LMLM trên đàn heo, nhưng sau 2 đợt tiêm phòng đầu và cuối năm chỉ đạt 60% tổng đàn heo tại xã Vĩnh lộc A và 55% ở Vĩnh Lộc B.

Theo ông Lê Văn Chín, Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh, với mật độ chuồng trại dày đặc, điều kiện chăm sóc, thức ăn không đảm bảo, lại không tiêm phòng làm giảm sức đề kháng đàn heo. Đang lúc giao mùa, thời tiết lạnh và ẩm thấp sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây dịch bệnh qua đường hô hấp. Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép vận chuyển heo dưới 5 con không cần giấy kiểm dịch là kẽ hở bị nhiều người lợi dụng, tiếp tục vận chuyển heo con từ nơi khác vào bỏ gối đầu cho các hộ nhập cư nuôi heo không qua kiểm dịch, gây không ít khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Vẫn còn 40% đàn heo ở Vĩnh Lộc A và 45% đàn heo ở xã Vĩnh Lộc B chưa qua tiêm phòng vaccine LMLM, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn heo những tháng cuối năm ở 2 địa phương này rất cao.

Lê Long

Tin cùng chuyên mục