Lo ngại áp lực lãi suất, nợ xấu tăng trở lại

Chưa giải quyết được căn bản vấn đề nợ xấu

Tại hội thảo công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức ngày 14-3 tại Hà Nội, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, việc tăng trưởng tín dụng năm 2015 tăng nhanh là do hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt hơn, tuy nhiên, hệ thống ngân hàng “nên coi chừng nợ xấu tăng trở lại”.

Chưa giải quyết được căn bản vấn đề nợ xấu

Theo báo cáo được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, dù chịu tác động tiêu cực của kinh tế thế giới nhưng trong năm 2015 Việt Nam vẫn là một trong số các nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất (6,68%). Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng lưu ý nền kinh tế chưa có động lực tăng trưởng bền vững, chủ yếu vẫn dựa vào khu vực FDI; nợ công tiếp tục tăng nhanh, bội chi ngân sách lớn đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô...

Theo TS Trương Văn Phước, trong năm 2015 chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể, trong đó nợ quá hạn là 179.501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4% (năm 2014 là 5,3%), nợ xấu là 119.660 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2,9%. Số dư nợ xấu đã bán cho VAMC là 243.000 tỷ đồng, năm 2014 là 133.000 tỷ đồng. “Cần phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu VAMC đã mua, nếu không sẽ gây áp lực cho hệ thống ngân hàng” - TS Trương Văn Phước lưu ý.

“Các ngân hàng vẫn đang phải “nuôi” nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được “tiền tươi thóc thật”. Các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân” - TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright phân tích và khuyến nghị, cần cảnh báo được sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này.

Bàn về vấn đề nợ xấu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cho rằng, nợ xấu dưới 3% là quá tốt, thực tế, nợ xấu có một phần không nhỏ nằm ở VAMC, chưa giải quyết được căn bản. Cần xem lại tư duy cho rằng không được dùng ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác là tiền thuế dân để hỗ trợ, xử lý nợ xấu.

Mặt bằng lãi suất có thể tăng 1%-2%

Một vấn đề khác được nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại là mặt bằng lãi suất cho vay có thể sẽ tăng trong năm 2016. Từ góc độ cơ quan giám sát, TS Trương Văn Phước cũng nêu lên những bất cập trong việc vốn cho vay trung và dài hạn tăng nhanh, gây áp lực lên lãi suất. Tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng 31,1%, trong đó có nguyên nhân từ khu vực bất động sản và việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp.

Thực tế trong 2 tháng gần đây, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng do các ngân hàng tăng cường huy động vốn để đón đầu việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, mà theo đó tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40%. Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng thừa nhận năm 2016, áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn. Theo ông Dũng, với lạm phát được dự báo quanh mức 4%-5% so với mức 0,6% của năm 2015, gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011-2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng. Đó là chưa kể đến việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.

Trao đổi bên lề hội thảo, chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc thắt chặt tín dụng sẽ làm cho lãi suất tăng lên. Nếu để mặt bằng lãi suất tăng thêm 1%-2% nữa thì doanh nghiệp “bỏ chạy”. Theo ông Nghĩa, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất sẽ ổn định trong một khoảng thời gian tương đối dài nên đã vay ngân hàng để đầu tư. Nay nếu lãi suất tăng lên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh.


BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục