Mặc dù cơ quan chức năng không đồng ý với đề xuất nhập khẩu thịt nhưng hiện nay do giá cả các mặt hàng thực phẩm trong nước tăng cao nên các loại gia súc, gia cầm lại đang ồ ạt nhập lậu vào nội địa.
Theo Bộ NN-PTNT, tính đến giữa tháng 7-2011, đã có 6.436 con trâu, bò nhập lậu vào nước ta qua đường tiểu ngạch từ Campuchia và 755 con trâu bò nhập khẩu qua đường chính ngạch từ Thái Lan. Đồng thời, trong 4 tháng gần đây, đã có 170 tấn thịt heo được nhập lậu ngược từ Trung Quốc vào Việt Nam tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn và 4 tấn gà thải loại nhập lậu qua khu vực tỉnh Quảng Ninh. Còn Bộ Công thương ước tính 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu gần 54.000 tấn thịt, chủ yếu thịt gia cầm như đùi, cánh, chân... Lượng nhập khẩu phụ phẩm từ gia súc, gia cầm cũng liên tục tăng, đặc biệt tăng mạnh trong hai tháng 6 và 7. Còn nhớ cách đây 3-4 tháng, chúng ta lo ngại tình trạng heo Việt Nam xuất lậu sang Trung Quốc thì hiện nay, do giá trong nước tăng cao, heo Trung Quốc lại “chảy” ngược vào nước ta qua đường tiểu ngạch.
Theo Cục Thú y, chỉ riêng tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, mỗi ngày có khoảng 24-25 tấn heo hơi nhập vào nội địa, chủ yếu vận chuyển theo các đường mòn, lối mở ở quanh khu vực cửa khẩu Chi Ma. Các đối tượng thường xé lẻ từ 5-7 con/chuyến để dễ vận chuyển, lách qua các trạm kiểm dịch, đưa vào thị trường tiêu thụ. Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, lo ngại tình trạng nhập lậu ồ ạt động vật, sản phẩm động vật qua các tỉnh biên giới phía Bắc sẽ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng. Trước đây, đã từng phát hiện có tới 28/100 mẫu gà nhập lậu cho kết quả dương tính với virus H5N1. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh kéo dài liên miên. Bên cạnh đó, heo Trung Quốc có thể sử dụng “công nghệ đen” để vỗ béo trước khi xuất chuồng. Trong khi cơ quan thú y thừa nhận, hầu hết các tỉnh biên giới mới chỉ kiểm soát 50% số chuyến kiểm dịch động vật xuất khỏi tỉnh và chưa kiểm soát được động vật nhập vào.
Trước tình hình trên, mới đây, Bộ NN-PTNT phải phát đi công điện khẩn gửi chủ tịch UBND 6 tỉnh biên giới phía Bắc, bao gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu yêu cầu tăng cường quản lý gia súc, gia cầm nhập lậu. Bộ Công thương cũng cho biết, các lực lượng chức năng đã bắt giữ trên 60 vụ, thu giữ, tiêu hủy trên 80 tấn thịt gia cầm nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn.
Phúc Hậu