(SGGP).- Ngày 28-5, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015 - Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập”.
Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Ảnh: Cao Thăng
Theo báo cáo nghiên cứu, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số 12 nước. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức, giúp Việt Nam thực sự hòa nhập với thế giới, Việt Nam sẽ rất cần các thay đổi căn bản về cơ cấu kinh tế, thể chế và chính sách điều hành. Trong 3 kịch bản nghiên cứu thì Việt Nam đều là nước có thay đổi GDP thực tế theo phần trăm cao nhất trong số 12 nước, tăng từ 1,03% - 2,11%, chủ yếu nhờ tăng đầu tư và tiêu dùng (tương đương với giá trị tuyệt đối từ 1,4 - 2,9 tỷ USD). Riêng về đầu tư, mức tăng của Việt Nam là nổi bật trong khối, xấp xỉ Nhật Bản, gấp đôi Australia, Malaysia và Hoa Kỳ. Về thương mại, trong khi nhập khẩu tăng mạnh thì xuất khẩu lại giảm nhẹ, khiến Việt Nam đi sâu hơn vào nhập siêu.
Từ đó, theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, hàm ý chính sách mà báo cáo đưa ra là tính cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Hội nhập mà không đi liền với những cải cách này sẽ khiến Việt Nam khó tận dụng được cơ hội tốt mà có thể dẫn đến những suy giảm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, năm 2015 có một đặc điểm quan trọng, đánh dấu những mốc hội nhập to lớn của Việt Nam, kể từ khi hội nhập vào WTO (ký kết hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, cơ bản kết thúc các vòng đám phán TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức đi vào hoạt động). Đây là những bước ngoặt hội nhập mở ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế Việt Nam, có ảnh hưởng phát huy trong trung và dài hạn.
Hai kịch bản dự báo được xây dựng cho thấy, kịch bản thấp mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,1%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức 6,3%; lạm phát năm 2015 hai kịch bản lần lượt khoảng 1,9% và 3,2%. Nếu kịch bản 3,2% xảy ra thì sẽ lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016. Đây là trường hợp nền kinh tế rơi vào một vòng xoáy mới giữa lạm phát và thay đổi tỷ giá. Kịch bản 2 tuy có bề ngoài không khác quá xa kịch bản 1, nhưng phản ánh một mức độ rủi ro vĩ mô cao hơn nhiều sẽ xuất hiện trong năm 2016.
Ông Nguyễn Đức Thành nhìn nhận, năm 2015, kinh tế Việt Nam cũng chứng kiến thâm hụt ngân sách tăng cao do khó khăn trong duy trì và cải thiện nguồn thu đi liền với nỗ lực yếu ớt trong việc tiết chế các khoản chi. Điều này đặt Chính phủ vào những khó khăn trong việc huy động nguồn tài trợ thâm hụt ngân sách. Nếu Quốc hội không có sự thỏa hiệp cần thiết trong định mức về lượng trái phiếu phát hành hoặc trần nợ công, Chính phủ có thể bị đẩy vào tình thế phải tìm kiếm nguồn tài trợ tạm thời từ Ngân hàng Nhà nước dưới nhiều hình thức và xét cho cùng có bản chất tiền tệ nhiều hơn là tài khóa. Điều đó dẫn tới nguy cơ phá vỡ những ràng buộc về kỷ luật tiền tệ lẫn tài khóa, tạo một tiền lệ xấu. Tác động tức thời của các chính sách này là sự xói mòn niềm tin của thị trường vào cả chính sách tiền tệ và mức độ minh bạch tài khóa.
Vấn đề được khuyến nghị đưa ra trong báo cáo là chính sách tỷ giá cần được điều hành linh hoạt theo hướng giảm giá VND, duy trì hoặc tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại hối để tăng niềm tin đối với chính sách tiền tệ. Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, báo cáo vẫn chưa đưa ra những đánh giá tác động thấu đáo của vấn đề tỷ giá, đặt trong bối cảnh USD đang lên giá, Eur đang giảm 12% - 14% so với USD. Việc giữ ổn định tỷ giá VND sẽ khiến chúng ta phải trả giá ra sao, ví dụ trong vấn đề nợ công...
HÀ MY