(SGGPO).- Sáng nay 9-10, Ban chỉ đạo lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình đã tiến hành các phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối việc di chuyển thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra khu vực Mũi Rồng (Thọ Sơn, Quảng Đông, Quảng Trạch).
Khu vực biển Vũng Chùa - Đảo Yến đã được phong tỏa 24/24, cấm biển không cho bất cứ tàu thuyền nào được vào. Việc rà phá bom mìn trong toàn khu vực được tiến hành hết sức khẩn trương.
Từ sân bay Đồng Hới ở xã Lộc Ninh, Quang Phú ra đến khu vực an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu vực Mũi Rồng hơn 70km.
Có 25 xe tiêu binh, xe chở thi hài Đại tướng đang được điều động từ thành phố Hồ Chí Minh (Quân khu 7) ra Quảng Bình theo đường sắt Thống Nhất. Việc di chuyển thi hài Đại tướng từ sân bay Đồng Hới ra xã Quảng Đông đang được hoạch định an toàn tuyệt đối. Xe đưa linh cữu sẽ đi theo tuyến quốc lộ 1A qua một phần thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch, Quảng Trạch.
Dự kiến sẽ có hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, cán bộ đứng hai bên đường tiễn biệt Đại tướng về giấc thiên thu. Xe đưa linh cữu Đại tướng sẽ đi qua danh thắng Đá Nhảy (Bố Trạch), băng qua sông Gianh cuồn cuộn chảy về biển Đông, đi qua Làng 19-5, ngôi làng lấy ngày sinh nhật Bác Hồ thành tên làng từ năm 1960. Xe đưa linh cữu Đại tướng sẽ đi qua nhiều làng mạc hiền hòa, nhiều nghĩa trang liệt sĩ các xã anh hùng trong thời kỳ chiến tranh dọc hai bên quốc lộ 1A. Vượt sông Loan, qua núi Phượng xã Cảnh Dương.
Khu vực xã Quảng Đông, theo nghiên cứu của nhà báo Nguyễn Thế Tường của Đài truyền hình Quảng Bình đã nghỉ hưu: “Nơi đây, in dấu chân người ngựa của các vương triều, danh tướng, danh nhân từ Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Nguyên Hãn, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân,… đến Lê Quý Đôn, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan… đã để lại những sự tích oanh liệt, những áng thơ văn bất hủ. Thật đúng là vùng “Non kỳ danh địa” với núi Ngưu Sơn, Vĩnh Sơn, biển xanh trước mặt núi dựng sau lưng trong đôi câu hán tự rất ấn tượng: “Vĩnh Sơn, Ngưu Sơn. Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt/ Tràng hải, ngoại hải, hải hải đa liệt nữ anh thơ”.
Từ đèo Ngang nhìn ra biển có mũi Rồng, mũi Ông và vũng Chùa, đảo Yến tạo thành nơi trú ẩn lý tưởng cho ghe thuyền khi gặp phong ba bão tố. “Đông Bắc thì dựa Vũng Chùa/ Nồm Nam dựa chụt, bốn mùa như ao”.
Ông Nguyễn Thế Tường nhấn mạnh: “Nơi đây, hơn ngàn năm trước (năm 931), vua Lê Đại Hành sai Ngô Tử An cùng ba vạn dân binh mở Thiên Lý Cù từ Cửa Sót (Hà Tĩnh) vào châu Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình) cho vượng khí Đại Việt bắt đầu mở xuống phương Nam”.
Xe đưa linh cữu Đại tướng sẽ đi vào giữa địa phận xã Quảng Đông rồi rẽ phải xuống cảng Hòn La, đến đầu thôn Thọ Sơn đoàn sẽ rẽ phải tiếp vào núi Mũi Rồng, men theo chân núi ra phía mép biển Thọ Sơn, tiếp tục rẽ trái đi theo con đường đang được thi công dự kiến hoàn thành vào ngày 10-10. Hết con đường là thung lũng Rồng và đỉnh núi Rồng là nơi Đại tướng của nhân dân tịnh giấc thiên thu trong lòng đồng bào miền Trung.
>> Một số hình ảnh trên lộ trình đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi vĩnh hằng.
| |
Minh Phong
>> Mũi Rồng - nơi Đại tướng yên giấc thiên thu
>> Đại tướng ở lại mãi với dân tộc