
Trong thời gian gần đây, báo chí đăng tải nhiều thông tin về việc sử dụng thuốc lắc. Điều đáng nói là không chỉ giới sử dụng mà ngay cả một số người bình thường vẫn cho rằng đây là thuốc không gây nghiện và tác dụng kích thích của nó là nhất thời, không đáng ngại. Thực chất đây là thuốc gây nghiện thuộc loại nguy hiểm.
Từ biệt dược đến độc dược

Một “con lắc” đang quay cuồng theo tiếng nhạc.
Thuốc lắc chính là “ecstasy”. Về mặt ngôn ngữ, “ecstasy” là từ mang ý nghĩa “trạng thái xuất thần, ngây ngất”, vì khi dùng nó người ta bị kích thích chỉ muốn “lắc”. Về mặt hóa học, ecstasy được dùng gọi hợp chất hóa học tìm ra từ đầu thế kỷ 20 là - Methylendioxymethamphetamin (viết tắt MDMA). MDMA không phải là hợp chất mới được tìm ra mà đã được tổng hợp cách đây hơn 80 năm dựa vào cấu trúc cơ bản của amphetamin.
Về amphetamin, nhiều người đều biết đó là thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, biệt dược MAXITON được dùng để thức - một số sinh viên học sinh trước đây dùng nó để có sự tỉnh táo, thức đêm học ôn thi.
MDMA đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1914 với tác dụng là thuốc gây chán ăn (nên lưu ý nhiều thuốc gây chán ăn để điều trị chứng béo phì hiện đang lưu hành là thuốc gây nghiện). Nhưng từ đó đến nay, MDMA không được dùng như thuốc phổ biến mà được dùng như loại “thuốc độc” mang khoái cảm đến cho người nghiện.
Sử dụng thuốc lắc: ngộ độc trầm cảm và tử vong
Gần đây, sự lạm dụng thuốc lắc ngày càng tăng vì có quan niệm sai lầm cho rằng mặc dù là thuốc cấm nhưng so với ma túy và các chất gây nghiện khác, thuốc lắc an toàn hơn (!). Theo một nghiên cứu từ năm 1986 đến năm 1990 tại một trường đại học của Mỹ, tình trạng lạm dụng một vài loại ma túy trong sinh viên có giảm, nhưng một vài loại thuốc khác thì tăng - trong đó thuốc lắc bị lạm dụng đã tăng từ 16% lên 24%. Ở Indonesia chỉ trong vài tháng đã có khoảng 500.000 viên thuốc lắc lưu hành bất hợp pháp, đã có ít nhất 6 người chết vì dùng thuốc này.

Những “con lắc” trong quán Ben Ben Q.1 đang bị lực lượng chức năng tạm giữ để test ma túy.
Trái với lời đồn đãi trong giới nghiện cho rằng thuốc lắc “an toàn”, các cuộc thử nghiệm về mặt khoa học cho thấy đây là hợp chấy rất độc hại. Về mặt tác dụng dược lý, khi thử ở súc vật, thuốc lắc cho thấy có tác dụng hỗn hợp của sự kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác bằng các ảnh hưởng đến các chất sinh học trung gian của não là serotonin và dopamin, đặc biệt đối với serotonin.
Do tác động đến chức năng “sinh scrotonim“, của não mà thuốc lắc gây nên hội chứng gọi là “Hội chứng serotonin “ (serotonin syndrome), gây thay đổi cách cư xử, thái độ. Ngoài ra thuốc lắc còn gây tăng thân nhiệt. Nhưng quan trọng hơn hết là hóa gây độc tính đối với não. Nó làm giảm trữ lượng serotonin ở vùng trên não, phá hủy đầu tận cùng, dây thần kinh sinh serotomn (serotonergic nerve terminals).
Trong vòng 2 - 3 năm gần đây đã có nhiều báo cáo cho biết thuốc lắc gây độc tính cấp và tử vong đối với người sử dụng có lẽ do gây độc tính đối với não vừa kể. Chính tác dụng gây tăng thân nhiệt cũng góp phần gây tử vong người lạm dụng thuốc lắc. Đặc biệt, người ta ghi nhận chính sự sử dụng thuốc lắc trong tập thể, trong sự cuồng loạn của đám đông rất dễ đưa đến ngộ độc và tử vong.
Trong các buổi dạ vũ sử dụng thuốc lắc, âm thanh đinh tai nhức óc, nhiệt độ tăng do đám đông chen chúc, sự mất nước do nhảy múa đổ mồ hôi, cộng với sự tăng thêm nhiệt do tác dụng của thuốc lắc làm cho các đồ đệ của chất gây nghiện này dễ cận kề với thần chết. Việc sử dụng thuốc lắc lâu dài không đưa đến cái chết cũng đưa đến các bệnh tâm thần, từ lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.
Thuốc lắc không gây nghiện - Quan niệm sai lầm
Thuốc lắc là thuốc gây nghiện thật sự (tuy không gây nghiện mạnh mẽ như các loại ma túy khác như heroin). Tính chất gây nghiện thể hiện ở chỗ gây lệ thuộc thuốc (người quen “lắc” sẽ “lắc” hoài, không “lắc” sẽ rất khó chịu), gây tình trạng “lờn thuốc” (phải tăng liều từ 1/4 viên tăng dần lên 1, rồi nhiều viên mới thấy đã) phải đổi thuốc để tìm cảm giác “phê “ hơn (dùng thuốc lắc sẽ dần đi đến ma túy mạnh hơn là heroin).
Tệ nạn sử dụng ma túy, chất gây nghiện và gần đây là thuốc lắc đang là tai họa của toàn nhân loại. Ở ta, nếu việc phòng chống sử dụng thuốc lắc không được xem trọng, chắc chắn thế hệ trẻ của chúng ta có nguy cơ bị đầu độc nặng nề.
TS.DS. Nguyễn Hữu Đức