Loạn tấu hài!

Loạn tấu hài!

Bây giờ, dường như đâu đâu cũng có hài; từ các sân khấu, tụ điểm ca nhạc đến các quán bar, phòng trà, công viên… đều có diễn hài. Các chương trình hài kịch cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Trên truyền hình có “Gala cười”, “Siêu thị cười”; ở các sân khấu thì có “Sài Gòn cười”, “Làn sóng cười”…

  • Thực trạng sân khấu hài
Loạn tấu hài! ảnh 1

Nhóm hài Bảo Trí với tiểu phẩm “Ghen” trên sân khấu rạp Công Nhân.

Hiện nay, ở TPHCM có trên dưới 50 nhóm hài lớn nhỏ đang hoạt động thường xuyên tại các tụ điểm, sân khấu: 135 Hai Bà Trưng, Trống Đồng, 126, rạp Công Nhân, Nam Quang, Thủ Đô…

Ở các quán bar, phòng trà, làng nướng cũng có diễn hài như: Chăm Pa, Phương Nam, 123 Lý Chính Thắng, MTV… Khi đến các điểm diễn hài, bên cạnh các nhóm hài có tiểu phẩm ý nghĩa sâu sắc, vui tươi, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những nhóm hài biểu diễn với tình tiết, lời nói hết sức… thô thiển.

Ở Sân khấu hài 123 Lý Chính Thắng, quận 3, nhóm hài V.H. với tiểu phẩm hài “N”, chỉ có hai diễn viên biểu diễn với nội dung nói về ông lão, bà lão 70, 80 tuổi già lụm khụm (xưa kia là người yêu của nhau) gặp nhau bàn tính chuyện hôn nhân cho… cháu nuôi. Câu chuyện chỉ có thế, nhưng hai diễn viên đã nói những câu rất phản cảm, khó chịu cho người xem như: “Bả chỉ còn có cái níu không mà cũng bày đặt chảnh chó”; “Già rồi làm gì mà còn sữa”…

Chưa hết, sau một hồi nói chuyện, cả hai “phát hiện” chưa ai lập gia đình và nói những câu rất khó nghe: “Nói vậy ông vẫn còn nguyên à?”, “Tui vẫn còn zin”, “Còn tui, hàng vẫn còn tươi nguyên”… Đặc biệt, ở phần kết của tiểu phẩm này, tự dưng “ông lão, bà lão” lại rủ nhau đi… hát karaoke và diễn viên V.H. trong vai bà lão còn quay lại nhìn khán giả cười, nói: “Đêm nay đi hát karaoke, chắc mình tiêu đời với thằng cha già này quá” (?!).

Còn nhóm hài T.N. với tiểu phẩm “Ôm xe” có nội dung mang tính giáo dục, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, nhưng tiếc là trong lúc biểu diễn, các diễn viên vẫn sử dụng những từ ngữ, cách phát âm để gây cười khó chịu: “Chú ơi chiếc xe sao mà nó… nắc thế?”, “Cái gì mà nắc? Xe nó lắc”…; hay “… chú tên là Cu to hả” hoặc cũng câu nói này chạy sang điểm khác diễn thì thay đổi thành: “...anh tên là Cu teo hả”…

Chứng kiến nhóm T.N diễn, chị Ngọc Linh, nhà ở quận 11 cho biết: “Tui và gia đình rất thích đi xem tấu hài, nhưng hôm nay xem thấy nhàm quá, có bao nhiêu tiết mục cũ cứ diễn đi diễn lại hoài. Thậm chí có những nhóm hài diễn chẳng có nội dung, ý nghĩa gì và đôi lúc lời thoại còn thô tục. Diễn hài kiểu này chắc mai mốt không dám đi xem nữa…”.

Nhóm hài V.A. – L.G. với tiểu phẩm “Mộng làm ca sĩ” diễn tại sân khấu Trống Đồng vào tối 14 – 10 với nội dung cứ nhàn nhạt, nên cô diễn viên hài L.G. thường xuyên gây sự chú ý cho khán giả bằng cách giở áo, khoe… rốn. Chỉ trong một tiểu phẩm độ chừng 10 phút, cô nàng đã… ba lần giở áo, khoe rốn trước bàn dân thiên hạ.

Chưa hết, có những nhóm hài còn diễn những tiết mục miêu tả về hình ảnh của người con gái bị hô: “Răng tung tăng đi trước. Môi lả lướt theo sau…”. Hay có nhóm thì diễn viên nam giả gái để vạch mặt kẻ lừa gạt nhưng lại diễn quá đà vào chuyện… phòng the. Và còn rất, rất nhiều những cách bỡn cợt, chọc cười gượng ép, thiếu thẩm mỹ như vậy nữa.

  • Cần định hướng, chấn chỉnh kịp thời
Loạn tấu hài! ảnh 2

Nhóm hài Kim Ngọc với tiểu phẩm “Bà ngoại thời @”.
 

 

Năm 2003, nhằm kịp thời chấn chỉnh những nhóm hài ý thức được việc chọn các tiểu phẩm dàn dựng sao cho đạt tính giá trị thẩm mỹ cao, Sở VHTT TPHCM đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức cho hơn 100 diễn viên hài. Sau lớp học này, các diễn viên hài đã dàn dựng nhiều tiểu phẩm vui tươi, giàu ý nghĩa biểu diễn báo cáo và làm vốn liếng đi diễn tại các địa điểm.

Tuy nhiên, những lớp bồi dưỡng kiến thức cho các diễn viên hài như thế còn quá ít, chưa bắt kịp sự nở rộ của các nhóm hài. Từ sau lớp học bồi dưỡng kiến thức cho các diễn viên hài diễn ra từ năm 2003 đến nay, gần như không có lớp học nào khác nữa.

Khi trao đổi với chúng tôi, nhiều diễn viên hài luôn nhắc đến lớp học bồi dưỡng kiến thức do Sở VHTT TPHCM tổ chức cách nay mấy năm và ai cũng mong trong thời gian tới Sở VHTT TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức những lớp học như thế cho các diễn viên soi rọi lại mình.

Bên cạnh đó, việc tổ chức những cuộc thi sáng tác tiểu phẩm hài để các nhóm hài có nguồn kịch bản dễ dàng chọn lựa những kịch bản cho phù hợp cũng là một nhu cầu cấp thiết. Chẳng hạn như cuộc thi “Sáng tác tiểu phẩm hài” do TTVH quận 1 và Nhà hát Bến Thành phối hợp tổ chức vừa qua đã tạo được sự chú ý cho các diễn viên hài và công chúng. Đây là lần đầu tiên tổ chức, nhưng cuộc thi đã thu hút nhiều tác giả chuyên - không chuyên trong và ngoài thành phố tham gia. Cuộc thi đã tuyển chọn được nhiều tiểu phẩm hài ý nghĩa, vui tươi để các nhóm hài dàn dựng biểu diễn thường xuyên trong chương trình “Làn sóng cười”, được công chúng ngợi khen.

Có thể nói, việc tổ chức những cuộc thi sáng tác kịch bản hài như kể trên là rất thiết thực cho đời sống sân khấu hài. Qua đó có thể vừa khích lệ tác giả viết kịch bản, vừa có nguồn kịch bản để các nhóm hài tìm kiếm kịch bản hài hay. Tuy nhiên, hiện nay cách làm này chưa được nhân rộng ở nhiều nơi.

Chính vì thế lượng kịch bản hài hay vẫn đang rất khan hiếm; các nhóm hài đã và đang phải tự thân vận động, hình thành ý tưởng, viết kịch bản, dàn dựng, chọn nhạc và hiển nhiên là… tự diễn! Cách làm này nghe có vẻ thuận lợi, nhưng xét về lâu dài cũng rất dễ “phá sản, nhàm chán”, bởi diễn viên hài cũng chỉ là một diễn viên bình thường không thể cùng lúc đảm trách quá nhiều công việc: tác giả, đạo diễn, chọn nhạc...

Diễn viên hài Tấn Hoàng nhìn nhận: “Diễn viên giỏi cỡ nào cũng không thể cùng lúc làm quá nhiều việc, nếu làm cũng khó tránh khỏi những hạn chế. Trong quá trình đi diễn, cũng có lúc chúng tôi bất chợt có những ý tưởng hay viết ra và tự tập dượt, ráp lại thành một tiểu phẩm hài hay. Nhưng lâu lâu mới có một tiểu phẩm, còn đa phần phải đặt hàng của các tác giả!”.

Đó là những việc đã qua, còn hiện tại và tương lai, ngành chức năng sẽ làm gì để chấn chỉnh và nâng chất sân khấu tấu hài? Tình hình sân khấu hài hiện nay đặt ra với ngành chức năng, quản lý văn hóa phải kịp thời quản lý và chấn chỉnh những nhóm hài biểu diễn các tiểu phẩm không có tính giáo dục thẩm mỹ cao như đã nêu trên và tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức cho diễn viên hài để sân khấu hài ngày càng hay hơn, mang lại tiếng cười sâu sắc, ý nghĩa hơn! 

NHÓM PV VHVN

Ý kiến của các diễn viên hài

- NSƯT Hồng Vân: Tôi theo nghiệp sân khấu đến nay nhờ vào mảnh đất tấu hài rất nhiều. Việc tấu hài mang lại những tiếng cười ý nhị cho khán giả là rất cần thiết, nhưng không phải vì thế diễn viên có thể dễ dãi chọc cười theo kiểu “cù lét” được. Tôi nghĩ, trong tình hình sân khấu hài hiện nay, rất cần tổ chức các diễn đàn về tấu hài cho diễn viên và khán giả được đối thoại trực tiếp, để nhận thức được đúng – sai, tìm hướng phát triển.

Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức cho diễn viên, thi sáng tác kịch bản, tổ chức liên hoan sân khấu để từ đó các diễn viên có điều kiện trau dồi kiến thức và diễn hài hay hơn.

- Diễn viên hài Tấn Hoàng:
Bây giờ chọn được kịch bản hài hay là chuyện không đơn giản tí nào. Suốt hai năm nay, nhóm hài của tôi diễn bằng 5 tiểu phẩm hiện có, chưa tìm được kịch bản mới để dàn dựng. Diễn hoài những tiểu phẩm cũ mình cũng không hứng lắm, nhưng khổ nỗi tiểu phẩm gần nhất mà nhóm của Tấn Hoàng – Bảo Chung ra mắt công chúng là “Tiên Sài Gòn” có nội dung hay, khán giả rất thích, nên bây giờ muốn dựng cái mới thì phải làm sao hay hơn cái hiện có. Chúng tôi đang đặt hàng một tác giả viết kịch bản mới, có nội dung, chủ đề tư tưởng tốt để dàn dựng biểu diễn trong thời gian tới.

- Diễn viên hài Kiều Linh:
Theo tôi, để có một tiểu phẩm hài phục vụ khán giả trong vòng 10 phút mà tạo được những tiếng cười sâu sắc, rất khó. Tiểu phẩm chỉ diễn trong vòng 10 phút nên nội dung phải được chắt lọc rất kỹ, nếu không dễ gây nhàm chán. Tôi thấy việc chọc cười cho khán giả không khó, cái khó nhất là sau tiếng cười đó để lại những gì cho khán giả nhớ và có ích gì cho người xem không.

Gần đây, lượng kịch bản hài hay, phù hợp với yêu cầu quá hiếm, chính vì thế tôi phải tự viết tiểu phẩm để dàn dựng cho nhóm diễn. Vừa rồi tôi thử ra mắt khán giả một tiểu phẩm bi hài và được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho những kịch bản theo hướng bi hài, có nội dung sâu sắc, và nhờ các đạo diễn dàn dựng cho nhóm đi diễn vào cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục