Sau 6 tháng nghỉ thai sản, nữ công nhân phải quay lại xưởng làm việc. Bao lo toan của họ chính là không biết phải gửi đứa con còn quá nhỏ ở đâu để có thể an tâm đi làm. Các nhà trẻ công lập thì không nhận trẻ nhỏ dưới 18 tháng, hoặc có nhận thì số lượng rất ít. Các nhà trẻ tư thì nơi nhận, nơi không. Để không bị mất việc, công nhân phải gửi con tại các nhóm trẻ gia đình và phó thác cho may rủi.
Bất an nhưng phải gửi
6 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Hồng Diễm (ngụ quận 10, TPHCM) tất tả dắt xe ra khỏi nhà. Trước ngực chị là chiếc đai cùng cô con gái hơn 9 tháng tuổi đang còn ngủ ngon lành. 7 giờ 30 chị Diễm phải vào ca làm nên chị tranh thủ đưa con gái đến gửi tại một nhóm trẻ tư nhân ở quận 3. Từ khi con chưa tròn 6 tháng tuổi chị Diễm đã phải gửi con ở nhóm trẻ này. “Con còn nhỏ mà phải đi gửi tôi cũng xót lắm, nhưng biết phải làm sao. Gửi ở nhóm trẻ biết là không an toàn nhưng đâu có nhà trẻ nào nhận giữ bé nhỏ tháng như con tôi. Đành phải gửi và phó mặc cho người nuôi chứ biết làm sao”, chị Hồng Diễm tâm sự.
Nơi chị Diễm gửi con là ngôi nhà rất nhỏ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Trần Văn Đang. Gọi là nhóm trẻ chứ ở đây chỉ giữ con chị Diễm và một cháu 13 tháng tuổi. Buổi sáng, các bé được đưa đến, chiều 6 giờ hoặc có thể trễ hơn phụ huynh đến đón bé về. Người giữ trẻ là một phụ nữ gần 50 tuổi tên Trần Thanh Mai. Chồng chị Mai làm công nhân, 2 con của chị đang học cấp 2 và 3. Chị Mai chỉ ở nhà chăm nom nhà cửa, cơm nước cho chồng con. Thấy công nhân trong công ty chồng có nhu cầu gửi con nên 7 năm trước chị nhận trông giữ trẻ, trẻ nhỏ nhất chị từng giữ là 3 tháng tuổi. Chị Mai cho biết, mình chỉ giữ con cho người quen và chỉ nhận 2 bé do chỉ có một mình chị trông coi. “Bé còn nhỏ nên tôi chỉ cho uống sữa, ngủ, tắm, chơi. Bé nào đến tuổi ăn dặm thì tôi nấu cháo cho ăn. Tôi nuôi chúng theo kỹ năng của một người từng làm mẹ chứ có qua trường lớp gì đâu. Với lại bé còn nhỏ thì chỉ nuôi chứ dạy dỗ gì mà khó”, chị Thanh Mai nói.
Gửi con tại các nhóm trẻ, các bà mẹ dù không an tâm về cách chăm sóc, độ an toàn… nhưng đành chịu vì không còn sự lựa chọn khác. Đã từng có những vụ bạo hành, tai nạn, xâm hại tình dục trẻ tại các nhóm trẻ, thậm chí có nơi trẻ phải mất mạng do người giữ nuôi sai cách.
Người giữ trẻ cần có tâm và kỹ năng
Quân Bình Tân có nhiều khu công nghiệp nên là địa bàn có rất đông công nhân, lao động nhập cư. Riêng tại Công ty Pouyuen đã có gần 90.000 công nhân, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Chính vì vậy, nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi của các bà mẹ là rất cao. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã thí điểm công trình nhóm trẻ gia đình trên địa bàn quận Bình Tân và đạt được hiệu quả cao. Đến nay, Hội LHPN quận đã vận động được 88 nhóm nuôi, giữ trên 500 trẻ. Bên cạnh đó, hội đã triển khai các lớp đào tạo kiến thức, kỹ năng nuôi, giữ trẻ cho người nuôi thông qua các chuyên đề dinh dưỡng, phòng bệnh, sơ cấp cứu trẻ, xử trí khi trẻ hóc dị vật, bị điện giật, ngạt nước…
Đã có nhiều nhóm trẻ sau khi tham gia các lớp tập huấn thì công tác nuôi giữ trẻ đã bài bản và hợp lý hơn. Tại nhóm trẻ Hoa Trà (khu phố 1, phường Tân Tạo), các bé được nuôi giữ trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Phòng giữ trẻ có ti vi, đồ chơi, tường nhà được trang trí hoa văn bắt mắt để trẻ thích đến học. Từ 6 năm nay, chị Phạm Thị Hoa (53 tuổi) cùng chồng và 2 con thay nhau chăm sóc các bé. Hàng ngày chị Hoa đều vệ sinh nhà cửa, khử trùng, phơi nắng các võng để tránh cho các bé bị lây nhiễm bệnh. Các bé lớn khi đến đây được chị dạy hát, chơi trò chơi, kể chuyện. Bé nhỏ thì cho bú sữa, dỗ ngủ. Điều giúp các bà mẹ công nhân an tâm khi gửi con tại nhóm trẻ này là có thể đón trẻ trễ khi phải tăng ca, người nuôi rất có tâm và kỹ năng dạy trẻ. Có lần mẹ bé Phương bị bệnh phải nằm viện, chị Hoa đã chăm sóc bé suốt 4 ngày liền mà không tính thêm chi phí. Hay bé Hà bị sốt cao, chị tất tả gọi xe đưa bé đến bệnh viện. “Là người mẹ nên tôi hiểu tâm trạng của các bà mẹ có con nhỏ. Gửi con cho người khác, ai cũng mong con được chăm sóc chu đáo. Mình không nhận thì thôi, đã nhận thì phải chăm các bé hết lòng để ba mẹ chúng an tâm làm việc”, chị Hoa chia sẻ. Chính vì cái tâm ấy mà nhiều bé quý mến vợ chồng chị Hoa như cha mẹ đẻ.
Các bà mẹ rất an tâm khi gửi con tại nhóm trẻ Hoa Trà do chị Phạm Thị Hoa chăm sóc
Với giá cả hợp lý, giờ giấc linh hoạt, các nhóm trẻ gia đình đã đáp ứng được nhu cầu gửi con nhỏ của công nhân, người lao động. Các nhóm trẻ này được qua các lớp đào tạo đã nuôi trẻ hợp lý, giúp các bà mẹ an tâm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhóm trẻ gia đình vẫn đang hoạt động tự phát, người giữ trẻ không có kỹ năng nuôi giữ, không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng nên vẫn còn nhiều nơi nuôi giữ chưa đúng cách, gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng trẻ. Bên cạnh đó, tại các nhóm trẻ chỉ thực hiện việc nuôi, giữ chứ chưa dạy các kỹ năng do chưa qua các lớp đào tạo. Theo các chuyên gia, việc được nuôi, dạy đúng cách từ 6 tháng tuổi sẽ giúp trẻ phát triển trí não, tăng chiều cao toàn diện.
THÁI PHƯƠNG