Loay hoay tìm người tài

Theo kế hoạch triển khai Luật Cán bộ công chức, Bộ Nội vụ phải hoàn thiện đề án về cơ chế, chính sách phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Thế nhưng, đề án cụ thể để các địa phương áp dụng thì chưa thấy đâu, trong khi việc mời gọi, giữ chân người tài vẫn đang bị “tắc”!
Loay hoay tìm người tài

Theo kế hoạch triển khai Luật Cán bộ công chức, Bộ Nội vụ phải hoàn thiện đề án về cơ chế, chính sách phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Thế nhưng, đề án cụ thể để các địa phương áp dụng thì chưa thấy đâu, trong khi việc mời gọi, giữ chân người tài vẫn đang bị “tắc”!

  • Mời gọi, giữ chân người tài: Khó!

Theo thống kê của Khu Nông nghiệp công nghệ cao (Khu NNCNC) TPHCM, đến tháng 11-2009, toàn Khu NNCNC có 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 44 cử nhân các ngành đang công tác tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM 45 km. Không chỉ khó khăn vì công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa mà thu nhập của các công chức “bậc cao” này cũng khá thấp (mỗi tháng, thu nhập của tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân lần lượt là 2,2 triệu, 1,9 triệu và 1,5 triệu đồng). Đã thế, các chế độ đãi ngộ khác hầu như không có.

Báo cáo với UBND TP, Khu NNCNC nhìn nhận, đơn vị không thể tạo được sự yên tâm trong tư tưởng cũng như sử dụng có hiệu quả hay thu hút thêm nguồn nhân lực này khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Mặc dù Khu NNCNC đã mời gọi những nhà khoa học, nghiên cứu ngoài tỉnh, nước ngoài về làm việc nhưng hiện con số này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM), các chức vụ lãnh đạo là Việt kiều được tuyển dụng về công tác tại viện với mức lương 17 triệu đồng/tháng (viện trưởng), 15 triệu đồng/tháng (phó viện trưởng), 10 triệu đồng/tháng (trưởng phòng)… Chính mức lương khiêm tốn trên khiến việc thu hút nhân lực cho ngành công nghệ sinh học gặp khó khăn. Khi dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học (giai đoạn 2, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đi vào hoạt động, cần khoảng 180-200 cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ nhưng trung tâm lại không có biên chế dự trữ. Trong khi đó, cán bộ được cử đi đào tạo trở về được các doanh nghiệp bên ngoài mời chào với mức lương hấp dẫn nên ít nhiều có tâm lý dao động…

Trong kỳ thi tuyển cán bộ công chức (CBCC) đầu tiên của quận Gò Vấp (cũng là của cả TPHCM), đã có 149 người trúng tuyển và sau 3 năm công tác ở các phường và phòng ban chuyên môn quận, 53 người bỏ cuộc. Ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, nhìn nhận: “Thu nhập không đủ sống thì làm sao an tâm phục vụ nhân dân cho tốt?”.

Trong bản báo cáo về tình hình phát triển Việt Nam năm 2010 mà Ngân hàng Thế giới vừa công bố, trong giai đoạn 2003-2007 đã có hơn 16.000 cán bộ công chức tự nguyện ra khỏi cơ quan nhà nước, trong đó TPHCM chiếm hơn 40%.

Tại TPHCM nhiều thủ tục hành chính đang được cải cách mạnh mẽ. Trong ảnh: Làm giấy tờ tại Chi cục Hải quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tại TPHCM nhiều thủ tục hành chính đang được cải cách mạnh mẽ. Trong ảnh: Làm giấy tờ tại Chi cục Hải quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

  • Đổi mới cách tuyển chọn CBCC

Đại biểu HĐND TPHCM Đặng Văn Khoa cho rằng: Không thể thụ động ngồi chờ mà phải có kế hoạch cụ thể hơn hoặc tổ chức thi tuyển công khai. Kinh nghiệm ở Đà Nẵng là một bài học hay. Việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là giải pháp tích cực trong việc lựa chọn những người tài vào vị trí chủ chốt trong cơ quan nhà nước. Ngoài ra, việc thi tuyển công khai cũng tạo điều kiện cho CBCC, đặc biệt là công chức trẻ được phát huy năng lực, trưởng thành. TPHCM cũng từng có đề án thí điểm thi tuyển cạnh tranh các chức danh trưởng, phó phòng sở ngành, quận huyện nhưng đáng tiếc là đã phá sản.

“Suy cho cùng, cải cách hành chính chính là cải cách về tư duy con người, tư duy cán bộ. Để chọn được cán bộ lãnh đạo, công chức tốt, trước hết phải đổi mới cách tuyển chọn. Việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo chủ yếu qua quy hoạch, đề bạt, cơ cấu không chỉ triệt tiêu sự cạnh tranh đầu vào của cán bộ mà còn gián tiếp loại bỏ nhiều người tài” - ông Khoa nói.

Chia sẻ kinh nghiệm của quận khi tổ chức thi tuyển công khai lần đầu chức danh Trưởng phòng Giáo dục (vào cuối năm 2008), ông Non cho rằng: “Nếu muốn và có quyết tâm, ai cũng có thể làm được và trong trường hợp cụ thể của quận, tôi khẳng định việc đó không trái các quy định”.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Võ Thanh Phong khẳng định: Dù có nhiều vướng mắc, khó khăn nhưng TP cũng không thụ động ngồi chờ. Chương trình hành động về chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 đã được Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân thông qua. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: Cơ cấu lại đội ngũ CBCC; thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ và chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng của UBND quận huyện, sở ngành TP; chính sách đãi ngộ cán bộ có trình độ cao… Bên cạnh đó, TPHCM vẫn đang tiếp tục đầu tư cho một số chương trình lớn khác để thu hút, chuẩn hóa nguồn nhân lực chất lượng cao như chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ; đào tạo thế hệ vàng và tài năng trẻ ngành văn hóa, thể thao và du lịch; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành công nghệ sinh học…

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục