Lộc biển đầu năm

Sau những ngày vui xuân đón tết cùng gia đình, ngư dân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại hối hả bắt tay chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm mới. Với ngư dân, chuyến biển khởi đầu cho một năm nên ai cũng hy vọng mưa thuận gió hòa và trở về với cá nặng đầy khoang.
Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu vận chuyển lưới lên tàu chuẩn bị cho chuyến mở biển đầu năm
Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu vận chuyển lưới lên tàu chuẩn bị cho chuyến mở biển đầu năm

Sáng sớm mùng 5, tiếng động cơ phát ra từ những chiếc máy xay nước đá tại cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền) vang khắp một vùng trời. Hàng chục ngư dân đang thoăn thoắt gạt những xẻng nước đá xay vào hầm tàu, số còn lại hì hục khuân những tấm lưới, bình gas, nước ngọt và nhu yếu phẩm cần thiết để chuẩn bị cho một chuyến biển dài ngày. Ông Nguyễn Bán, chủ tàu lưới vây công suất hơn 800CV chia sẻ, năm ngoái, thời tiết thuận lợi, tàu của ông đánh bắt khá thành công, trung bình mỗi bạn tàu được chia từ 140-160 triệu đồng/năm. Tinh thần anh em ai nấy đều phấn khởi. Do đó, năm nay ông quyết định cho tàu ra khơi sớm với kỳ vọng sẽ có thêm một mùa đánh bắt bội thu.

Tại cảng cá Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu), công việc chuẩn bị cho chuyến mở biển đầu năm cũng không kém phần nhộn nhịp. Đang mãi đứng ngóng anh nhân viên viễn thông đến sửa chiếc điện thoại vệ tinh bị hỏng trong một lần ra khơi đánh bắt, ông Nguyễn Văn Hai, chủ cặp tàu lưới rê công suất hơn 700CV cho biết, năm vừa rồi đi biển không mấy suôn sẻ, việc tìm bạn tàu khá khó khăn, chi phí cho một chuyến biển tăng cao nên ông phải vay mượn nhiều nơi để tàu có thể vươn khơi. Thế nhưng các chuyến biển không mấy thành công và thu nhập của anh em bạn thuyền cũng thấp hơn so với tàu bạn. Vì vậy, ngay từ những ngày cuối năm, ông đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến “mở biển” với hy vọng sẽ có một mùa đánh bắt thuận lợi để giữ chân các bạn tàu mà vốn đầu năm phải “đỏ mắt” kiếm tìm.

Cùng với các tàu đánh bắt, một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng mở biển sớm để phục vụ nhu cầu của các đồng nghiệp đánh bắt xuyên tết. Theo các chủ tàu dịch vụ, hiện nay có hàng trăm tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi, do đó, dù mới đầu năm, nhưng các tàu đã nhanh chóng chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra biển cung cấp cho tàu bạn. Những năm gần đây, nhiều ngư dân thay đổi phương thức đánh bắt xa bờ, thay vì mỗi tháng vào bờ 1 lần thì nay có thể kéo dài 2-3 tháng, nhu yếu phẩm sẽ được tàu dịch vụ chở ra, đồng thời tôm cá sẽ được các tàu này chở vào cảng giao cho thương lái. Theo đánh giá, đây là phương thức giúp các tàu giảm thiểu chi phí và cũng để tránh tình trạng thuyền viên lên bờ rồi không quay lại tàu khiến chủ tàu thiệt đơn, thiệt kép.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Cường cho biết, trong thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành đánh bắt hải sản, như việc thực hiện giảm dần số lượng nhưng tăng dần chất lượng đội tàu đánh bắt xa bờ; sắp xếp, cơ cấu lại việc khai thác, chế biến hải sản theo hướng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chế biến tinh, nâng cao giá trị xuất khẩu. Tiếp tục củng cố, nâng cấp các cảng cá trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, thẩm định, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của nguyên liệu theo quy định của châu Âu; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân theo quy định của Chính phủ; vận động ngư dân chuyển đổi nghề lưới kéo, khai thác thủy sản ven bờ và phát triển các vùng thủy sản thâm canh tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cũng được ngành ngông nghiệp đề ra trong năm, đó là tăng cường phối hợp các lực lượng quân đội, cảnh sát biển, để thực hiện công tác tuyên truyền giúp ngư dân nhận thức đúng luật pháp quốc tế nhằm khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp.

Ngư dân Hà Tĩnh trúng đậm cá khoai

Từ mùng 1 Tết đến nay, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nhiều ngư dân ở các xã ven biển các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh… tỉnh Hà Tĩnh đã ra khơi đánh bắt và trở về với nhiều cá khoai tươi rói (còn gọi là cá cháo), bán được giá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đây là tín hiệu vui khởi đầu cho một mùa biển nhiều hy vọng và niềm tin thắng lợi.

Trong thời gian này, xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân) là địa phương có số ngư dân đánh bắt được nhiều cá khoai nhất. Hiện toàn xã có hơn 230 tàu thuyền các loại, trong đó có hơn 150 tàu chuyên đánh bắt cá khoai. Chủ tịch UBND xã Xuân Yên Trần Anh Khoa cho biết, mỗi chuyến đi biển của ngư dân chỉ mấy giờ đồng hồ trong ngày đã đánh bắt được bình quân khoảng 20-40kg cá khoai/tàu, thậm chí nhiều tàu đánh bắt được trên 50kg, giá bán dao động từ 120.000-200.000 đồng/kg, tùy loại.

Cá khoai xuất hiện nhiều trong khoảng thời gian từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Với ngư trường khai thác chỉ cách đất liền khoảng 1-5 hải lý nên khi gặp luồng cá, ngư dân có thể ra vào đánh bắt 2-3 chuyến/ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi gia đình ngư dân thu nhập hàng triệu đồng/ngày. Cá khoai ở vùng bãi ngang ven biển Hà Tĩnh rất được ưa chuộng, trở thành đặc sản được các nhà hàng, người dân săn lùng.

                                                                                  DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục