Ngay thời khắc giao thừa hay khi xuất hành vào sáng mùng một Tết Nguyên đán, việc hái hoa lá mang về nhà được gọi là tập tục hái lộc để đón nhận những điều tốt lành cho năm mới. Tuy nhiên, việc hái lộc đã thành ra phản cảm, vì phá hoại cây xanh, gây khó chịu đối với người quản lý các công viên, khu vui chơi, đền chùa… Nhiều người đi lễ chùa lại làm việc thiếu văn hóa là hái hoa, bẻ cành tại những nơi này. Chính vì không muốn phải xót lòng nhìn cây cối, cây kiểng bị phá hoại xác xơ trong những ngày đầu xuân, nhiều chùa đã phải rào chắn, vây kín từng cây. Các khu vui chơi, chợ hoa cũng phải thuê bảo vệ canh gác để tránh bị bẻ hoa, ngắt cành. “Lộc” mà được giành lấy kiểu thiếu văn hóa như vậy chẳng hay ho gì.
Cũng trong thời khắc giao thừa, còn có tập tục viếng đền, chùa rồi thỉnh cây nhang lớn mang về nhà để thỉnh ân phước. Tàn nhang rơi vãi lúc chen lấn ở sân chùa gây cháy áo quần, bỏng da thịt là điều khó tránh. Sau đó, ai cũng cầm cây nhang khá to đang bốc cháy đỏ rực chạy xe máy trên đường về nhà. Ra gió, tàn nhang bay tung tóe vào người đang chạy xe máy phía sau.
Thỉnh những điều tốt lành trong ngày đầu năm mới là nét văn hóa truyền thống, tuy nhiên nên tính cách làm nào cho hay, hợp thời, hợp với cuộc sống đô thị hiện đại. Một chiếc lá, nhành cây, ngọn cỏ dại hái vội bên đường vẫn mang ý nghĩa cao đẹp cho việc hái lộc, chứ đâu cần bẻ cả một cành cây cảnh ở nơi công cộng, chốn tôn nghiêm. Khi thỉnh cây nhang to về nhà nên tính cách che chắn gió, tránh làm vung vãi tàn nhang đỏ lửa trên đường về nhà.
ĐOÀN HIỆP