Trong lần trò chuyện, chỉ huy một đơn vị cơ sở trong ngành công an kể chuyện: “Đơn vị tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có cán bộ chiến sĩ nào vi phạm kỷ luật, luôn vượt chỉ tiêu trong công việc, thời gian qua được nhiều phương tiện truyền thông đại chúng ủng hộ, biểu dương, vì có nhiều cải cách trong thủ tục hành chính, cuối năm lúc nào cũng đứng “top ten”. Thế nhưng chúng tôi lại không được nhận danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” chỉ vì lý do: họp chi bộ không ghi biên bản vào sổ sinh hoạt Đảng mà ghi nhầm qua sổ khác!”.
Tôi hỏi lại: “Anh coi lại, có ai vi phạm đạo đức trong sinh hoạt, làm việc, hay vi phạm kỷ luật bị phê bình chẳng hạn, mà anh không biết?”.
- “Không hề!” - Anh còn nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn tâm niệm, phải gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy để xứng đáng với danh hiệu Công an nhân dân… Chúng tôi không đặt nặng vấn đề danh hiệu, phần thưởng. Tuy nhiên, đánh giá đúng thực chất và khen thưởng đúng một tập thể, cá nhân có giá trị khích lệ tinh thần rất lớn, giúp mọi người làm việc “đã tốt càng phải tốt hơn”. Do vậy, theo tôi, bình xét thi đua 6 tháng hay 1 năm cần có cách đánh giá toàn diện, đúng bản chất và theo nguyên tắc khích lệ chứ không nên vì một lỗi nhỏ rất hành chính, máy móc như vậy mà… phủ nhận sạch trơn…”.
Câu chuyện có tính chất trút bầu tâm sự, bức xúc của anh bạn trong ngành công an, có lẽ không chỉ xảy ra riêng trong ngành công an. Thi đua khen thưởng là chuyện chung cho mọi ngành, mọi nghề trên cả nước. Tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, chắc cũng có “barem” chung, thống nhất. Tuy nhiên thực tế mới là “thước đo kiểm nghiệm chân lý”.
Do vậy, mong rằng cấp chỉ đạo xây dựng quy chế, quy định cần nghiên cứu lại tính hợp lý của các tiêu chuẩn. Thi đua thực chất, khen thưởng công bằng mới tạo được động lực phấn đấu và cạnh tranh lành mạnh. Không nên chỉ vì một cái lỗi rất nhỏ, rất hình thức, có thể nhắc nhở rút kinh nghiệm, mà lại “đánh rớt” mọi nỗ lực của một tập thể hoặc cá nhân trong một thời gian dài. Nếu cân nhắc về sự lợi hại của một tiêu chuẩn đã quy định thì như thế là… lợi bất cập hại!
H.HOA