Liên kết bệnh viện công - tư
Với lợi thế về cơ sở vật chất khang trang, dịch vụ và trang thiết bị hiện đại, hệ thống y tế tư nhân đang góp phần khá lớn vào chăm sóc sức khỏe người bệnh, giảm tải cho y tế công lập. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có “chính sách” rõ ràng trong việc hỗ trợ, tạo sự liên kết giữa bệnh viện (BV) công và BV tư mà để cho các bên… tự vận động.
Hỗ trợ qua lại
Là một trong những bệnh viện cơ sở cấp quận, từ 3 năm qua, BV Quận 2 đã được sự quan tâm hỗ trợ của các BV tuyến trên nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, xét về mọi mặt, BV Quận 2 vẫn chưa thể hoàn thiện bởi cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị thiếu đồng bộ, hiện đại… Ngược lại, cũng nằm trên địa bàn quận 2, BV Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang là BV tư nhân có quy mô 200 giường bệnh, cơ sở vật chất khang trang, dịch vụ tốt, máy móc thiết bị tân tiến… Chính vì vậy, BV Quận 2 và BV Phúc An Khang đã tìm đến nhau và ký kết hợp tác chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật. “Dù đã được đầu tư nhưng không nói là đủ được. Cái BV tư nhân có mà mình không có và ngược lại thì cần hỗ trợ lẫn nhau. Mục đích là vì người bệnh”, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, cho biết.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thăm hỏi bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang.
Trước đó, mô hình hợp tác chuyên môn công và tư giữa BV Chợ Rẫy và BV Quốc tế Thành Đô (quận Bình Tân, TPHCM) cũng đã được thực hiện. Đi vào hoạt động từ tháng 1-2014, BV Quốc tế Thành Đô đạt tiêu chuẩn quốc tế 320 giường, gắn liền với trang thiết bị y tế kỹ thuật hiện đại, đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Do vậy, việc Bộ Y tế chấp thuận cho BV Chợ Rẫy và BV Quốc tế Thành Đô hợp tác không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn mà còn nhằm hướng tới giảm tải cho BV công lập tuyến cuối…
Tuy nhiên, những trường hợp liên kết nói trên vẫn còn khá khiêm tốn và vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế lẫn nhau. Chính vì vậy, thực tế BV công vẫn quá tải và nhiều bệnh viện tư nhân, dù có hiện đại, vẫn đìu hiu! Theo Bộ Y tế, các BV tuyến trung ương của Hà Nội, TPHCM đã giảm tải được ít nhiều, nhưng chưa hết tình trạng ghép 2 - 3 người/giường. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có trên 150 BV tư, chiếm khoảng 11% số BV trên cả nước với hơn 7.000 giường bệnh, trên 30.000 phòng khám tư nhân nhưng chưa chạy hết công suất do chưa thu hút được bệnh nhân.
Bị… bỏ rơi!
Phải khẳng định rằng hệ thống y tế tư nhân đang lớn mạnh và chia sẻ gánh nặng với y tế công lập, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Nhưng thực tế các chính sách y tế vẫn còn thiếu công bằng với y tế tư nhân như chậm cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám; thủ tục nhiêu khê; đối xử chưa “hợp lý” giữa y tế tư nhân và y tế công lập… Do đó, mỗi năm người bệnh Việt Nam vẫn “đổ” khoảng 1,5 - 2 tỷ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh. Theo các chuyên gia y tế, trình độ chuyên môn và hiệu quả điều trị của các BV Việt Nam không thua kém so với BV trong khu vực và quốc tế nhưng thua về dịch vụ, về thái độ, quá tải... Trong khi, hệ thống y tế tư nhân có thể bù đắp những cái “thua” đó thì chưa được quan tâm. Ngay trong lĩnh vực chuyên môn, tại Đề án BV vệ tinh mà Bộ Y tế đang ráo riết triển khai cũng chưa chú ý đến hệ thống BV tư.
Tại hội nghị “Tăng cường Đề án BV vệ tinh - giảm tải BV” mới đây, đại diện Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho rằng đề án đã thiếu khi chưa đề cập đến hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, hợp tác, liên kết với BV tư nhân. “Nói BV vệ tinh, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn nhưng tuyến dưới không đủ nhân lực, thiết bị thì chuyển giao gì được. Còn BV tư nhân có nhân lực, thiết bị lại thiếu kỹ thuật thì không tuyến trên nào hỗ trợ”, vị đại diện Vụ Bảo hiểm y tế nói. Dù rằng, kinh phí thực hiện Đề án BV vệ tinh là của ngân sách, không thể đem đi “làm không” cho BV tư, nhưng theo các chuyên gia y tế thì kinh phí đó có thể chia sẻ được, nếu cần.
Hiện nay, việc hợp tác y tế công - tư vẫn tập trung chủ yếu vào hình thức xã hội hóa, liên doanh, liên kết đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh nên quá tải càng quá tải. Còn việc liên kết hợp tác chuyên môn, chia sẻ giảm tải giữa BV công và tư thì vẫn bỏ ngỏ. Năm 2014, Chính phủ có Nghị quyết số 93/NQ-CP cho phép BV công hợp tác với BV tư (mô hình PPP) nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho y tế công lập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mô hình này khó thực hiện vì chi phí một giường bệnh của nhiều BV công chỉ ở mức 100.000 đồng/ngày (do chưa tính đến nhà đất, cơ sở hạ tầng, thiết bị), trong khi BV tư chi phí đắt đến 2 triệu đồng/ngày. “Một bên nhắm đến lợi ích, sức khỏe người bệnh, một bên nhắm đến lợi nhuận thì khó có tiếng nói chung”, một chuyên gia y tế nhìn nhận.
Vì vậy, để giảm tải y tế công, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế cần có chính sách, chỉ định hợp tác BV công - tư nhằm khai thác công suất giường bệnh dư thừa, tận dụng lợi thế về nhân sự, chuyên môn, trang thiết bị lẫn nhau. Trong đó, BV công có thể san sẻ bệnh nhân phù hợp với năng lực của đơn vị tư nhân được chỉ định liên kết.
TƯỜNG LÂM