Lời cảnh báo

Đúng như nhận định của ngành thú y, trước và sau Tết Nguyên đán năm nay dịch bệnh cúm gia cầm không bùng phát mạnh như những năm trước. Nhưng đó chưa hẳn đã là điều đáng mừng vì ngành y tế vừa cho biết, lại có thêm ca tử vong (ngày 13-2) vì nhiễm cúm A H5N1 tại tỉnh Hải Dương. Điều tra dịch tễ cho thấy, tại khu vực nhà bệnh nhân có gà chết rải rác, bệnh nhân đã làm gà bệnh và chế biến để cùng ăn với gia đình. Hiện còn 1 ca đang cấp cứu. Điều đáng chú ý, trong 4 ca tử vong gần đây, có 3 trường hợp không phải là vùng công bố dịch cúm gia cầm.

Trở lại chuyện an toàn dịch bệnh cho thực phẩm những ngày tết, theo Chi cục Thú y TPHCM, các đoàn kiểm tra liên ngành TP và các quận, huyện đã quyết liệt kiểm tra, rà soát, xử lý nhiều trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm (cả sản phẩm gia cầm) trái phép, không rõ nguồn gốc và chăn nuôi gia cầm tự phát.

Nhưng việc kinh doanh gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trái phép những ngày trước và trong Tết Mậu Tý có xu hướng tăng cao trên nhiều địa bàn, nhất là quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh… Có nơi đối tượng bày bán công khai tại một số khu vực ở quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, người kinh doanh gia cầm sống còn manh động, tấn công lực lượng kiểm tra liên ngành.

Đây là hậu quả buông lỏng quản lý của một số địa phương để tình trạng vi phạm kéo dài, không có biện pháp xử lý kiên quyết, do đó các đối tượng ngày càng phát sinh tâm lý chủ quan, xem thường pháp luật.

Một thời gian khá dài, các ca lây nhiễm cúm A H5N1 trên người và gây tử vong ở nước ta không xảy ra. Phải chăng vì lý do này mà nhiều địa phương, ban ngành và người dân chủ quan trong việc phòng chống dịch? Chưa đến 2 tháng đầu năm 2008, đã có 3 trên 4 ca nhiễm bị tử vong (năm 2007 có 3 ca tử vong). Đến nay Việt Nam có 103 ca nhiễm cúm A H5N1 ở 35 tỉnh thành, trong đó có 49 trường hợp tử vong, chỉ sau Indonesia về số người chết vì bị nhiễm cúm A H5N1. Vì thế càng không thể chủ quan. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục