Daniel Lorente từng làm cho ngành xây dựng trước khi chuyển qua công việc chiên bánh hamburger tại cửa hàng McDonald’s, một nhân viên bán hàng qua điện thoại, một bảo vệ và hiện nay đang thất nghiệp. Hơn 2 năm qua, không có công việc nào của Lorente kéo dài quá 7 tháng. Đó là câu chuyện mà báo China Daily kể về thế hệ thanh niên ở Tây Ban Nha.
Daniel cũng như hàng triệu thanh niên khác ở nước này đều phải gánh chịu hậu quả của một nền kinh tế ì ạch đang cố thoát khỏi cơn bão nợ công. Thế hệ của Lorente, những thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi, đang được gọi là “thế hệ bị đánh mất” tại Tây Ban Nha - quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 17 thành viên eurozone, với 48,6% lao động trẻ thất nghiệp, tức cứ 2 thanh niên ở nước này thì 1 người đang phải loay hoay tìm việc.
Với tình hình kinh tế chỉ có gam màu xám tại châu Âu hiện nay thì Tây Ban Nha không phải là một trường hợp cá biệt. Ở Hy Lạp, tỷ lệ này là 46,6%, Italia 30,1%, Pháp là 23,8%. Ngay cả những quốc gia có truyền thống ổn định như Đan Mạch, Hà Lan hay Phần Lan cũng chịu những tỷ lệ cao hiếm thấy.
Theo Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp ở 17 nước sử dụng đồng tiền chung eurozone tiếp tục tăng lên 10,4% trong tháng 12, ngang với mức tăng trong tháng 11 năm ngoái. Thậm chí ngay cả ở nước Anh, một quốc gia ngoài eurozone và là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng phải đối mặt với tình trạng giới trẻ thất nghiệp gấp ba lần ở Đức. Tỷ lệ này ở mức 22% số người trẻ dưới 25 tuổi không có việc làm.
Những số liệu kinh tế u ám của EU cho thấy, châu Âu vẫn chưa thể giải được bài toán là giải quyết việc làm cho thanh niên. Vấn đề này đã trở thành một chủ đề chính trong hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra đầu tháng 3. Nhưng kế hoạch vẫn là kế hoạch và việc triển khai nó như thế nào mới là điều đáng nói. Bởi lẽ, các nhà lãnh đạo cũng hiểu rằng sẽ là rất khó để cân bằng giữa tăng trưởng với nợ công.
Cái vòng tròn luẩn quẩn khó tránh là có tăng trưởng mới có thặng dư để bù đắp cho thâm hụt ngân sách nhưng muốn có tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp thì lại cần vốn đầu tư và vô hình trung lại làm tăng thâm hụt ngân sách, tăng nợ công. Và các nước châu Âu rõ ràng đang chật vật để đạt tới sự cân bằng này.
Đã có rất nhiều cuộc biểu tình khác nổ ra trên khắp châu Âu thời gian qua chỉ để bày tỏ sự bất mãn cao độ vì những chính sách khắc khổ, thắt lưng buộc bụng của các chính phủ nhằm đối phó với khủng hoảng nợ công khiến họ mất công ăn việc làm, đời sống khó khăn. Nạn cướp bóc, hôi của cũng xảy ra tại các quốc gia châu Âu và đỉnh điểm là cuộc bạo loạn ở Anh vào tháng 8 năm ngoái.
Đến bây giờ thì người ta cũng buộc phải thừa nhận rằng thắt lưng buộc bụng không còn được coi là thần dược để vượt qua khủng hoảng. Những gì EU đang làm chỉ mang lại những giải pháp xoa dịu chứ chưa thể chữa trị tận gốc căn bệnh nợ công đang làm suy yếu nền kinh tế từng một thời rất hùng mạnh của “lục địa già”.
Nếu không thể giải quyết được bài toán thất nghiệp tại châu Âu sẽ còn xuất hiện rất nhiều thế hệ lao động trẻ mang vết sẹo tâm lý.
Thanh Hằng