Lợi dụng mạng xã hội cổ súy cái xấu

Lợi dụng mạng xã hội cổ súy cái xấu

>> Điều tra vụ clip chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia tại Huế

Thông tin về đoạn clip dài 3 phút 27 giây do một nhóm học sinh và sinh viên tại Huế thực hiện với nội dung chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đăng ngày 3-7, Cơ quan công an Thừa Thiên - Huế khẳng định, chưa đưa ra bất cứ hình thức xử lý nào; ngành giáo dục cũng chưa đưa ra bất kỳ hình thức kỷ luật nào với các em như các mạng xã hội đồn thổi...

Bịa đặt rồi tự ý kết tội

Trong đoạn clip dài 3 phút 27 giây do một nhóm học sinh và sinh viên tại Huế thực hiện với nội dung chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia 2016, được tung lên mạng xã hội ngay trong thời điểm kỳ thi này bước vào giai đoạn cuối bằng những lời lẽ xuyên tạc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, khi xem: “Điểm số với em không quan trọng, quan trọng là tỉ số bóng đá”; “Thời điểm thi THPT Quốc gia 2016 trùng với thời điểm diễn ra Euro nên Bộ GD-ĐT ra đề dễ hơn năm trước”; “Bí quyết của em là làm theo tiêu chí của lò luyện thi, đọc đề, xé đề, chửi thề và đi về”… Clip kết thúc bằng khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Có những người thành công nhưng không qua trường lớp đại học như: buôn bán chất cấm, cướp giật, ghi tỷ số”… thì không ít người lớn tuổi lại xem đó chỉ là một trò giải trí của học trò.

Cảnh quay đầu tiên xuất hiện trong clip chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia tại Huế.

Khi Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị Công an tỉnh này phối hợp tìm hiểu, làm rõ động cơ và mục đích của nhóm dàn dựng clip để làm gì mà có hướng giáo dục, uốn nắn kịp thời thì nhiều người lại lợi dụng mạng xã hội bày tỏ ý kiến bức xúc, thậm chí buông lời bênh vực nhóm thực hiện clip khi cho rằng, các em phạm luật gì? Quy định ở đâu? Một clip vui có gì đâu phải nâng quan điểm. Chỉ là chế cho vui mà, đâu xuyên tạc, đâu xúc phạm ai, có gì mà phải nhọc công điều tra?…

Một cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đang trực tiếp điều tra vụ việc cho biết, đơn vị đã vào cuộc tiến hành xác minh độc lập, chủ yếu theo những yêu cầu của ngành giáo dục là nhóm người trong clip có phải là học sinh các trường học như clip tự giới thiệu. Song trong lúc các cơ quan chức năng đang nỗ lực làm rõ những người tham gia trong clip này theo đúng chức năng, nhiệm vụ thì có một số người lợi dụng sự việc để hạ uy tín của các cơ quan chức năng. Đáng chú ý có những thông tin bịa đặt về việc công an mời các em làm việc và xử lý các em này; một số thông tin các em đã bị nhà trường đuổi học và bị phạt 50 triệu đồng là hoàn toàn không đúng sự thật.

Cơ quan công an hoàn toàn chưa đưa ra bất cứ hình thức xử lý nào, ngành giáo dục cũng chưa đưa ra bất kỳ hình thức kỷ luật nào với các em như các mạng xã hội đồn thổi. Theo  Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, sau khi làm việc với các bên liên quan, công an tỉnh sẽ phối hợp với nhà trường, gia đình gặp trực tiếp các em để giáo dục, thuyết phục các em nhận lỗi và xin lỗi, tránh xảy ra các trường hợp tương tự về sau. Đối với những người đủ năng lực hành vi dân sự, sẽ có hướng xử lý thích hợp.

Hội chứng hùa theo đám đông

Sau những ý kiến góp ý chân thành từ các bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội và hơn hết là sự hướng dẫn kịp thời của một phụ huynh có con xuất hiện trong clip chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia, nhóm thực hiện clip này đã chính thức lên tiếng xin lỗi vì hành động quay, dàn dựng và phát tán clip có nội dung chế giễu kỳ thi THPT Quốc gia 2016, gây xôn xao dư luận từ ngày 3-7 vừa qua.

Nguyên văn lời xin lỗi có nội dung như sau: "Chúng em là nhóm bạn trong clip ngày 3-7 vừa qua. Sau khi được đăng tải clip trên mạng xã hội, chúng em nhận được sự quan tâm cùng nhiều ý kiến trái chiều. Chúng em cảm thấy rất có lỗi về hành động bồng bột của mình. Làm clip này chúng em muốn xin lỗi tất cả mọi người và mong mọi người chấp nhận lời xin lỗi của chúng em. Chúng em xin cảm ơn rất nhiều".

Clip xin lỗi đăng lên mạng xã hội vài tiếng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng, với hàng chục nghìn lượt xem. Phần lớn ý kiến bình luận đều tỏ ra thông cảm với chuyện "nghịch dại"....

Clip còn bỡn cợt cả Trường THPT Hai Bà Trưng là ngôi trường nổi tiếng đã đi vào lịch sử

Một giáo viên đang giảng dạy ở 1 trường THPT tại Huế cho rằng, các em thực hiện clip đã tự nhận ra sai lầm nhưng thiết nghĩ, nhà trường và đặc biệt là phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tư tưởng cho các em, bên cạnh việc học văn hóa, để không xảy ra thêm nữa các sự việc tương tự. Cách khác, đừng để những tư duy lệnh lạc, cách làm lố lăng hùa theo trào lưu, đám đông trên mạng xã hội sẽ góp phần ngăn cản tinh thần hiếu học và kích động tư tưởng tiêu cực cho các em học sinh.

Liên quan đến vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Văn Thanh khẳng định, nhiệm vụ của cơ quan công an là nhanh chóng tìm ra người dàn dựng và phát tán clip này nhằm mục đích và động cơ gì.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế Phạm Văn Hùng chia sẻ:

Không chỉ tôi buồn mà ngay cả bố mẹ của các cháu đều cảm thấy buồn. Tôi hiểu rằng, clip có tính hài hước, chơi đùa nhưng những gì các em thể hiện trong clip là những lời lẽ chơi đùa quá mức, quá trớn, hài hước quá mức chấp nhận được… “Ngành giáo dục đã vào cuộc xác minh những người thực hiện clip có phải là các em học sinh đang theo học THPT tại địa phương hay không, nếu là học sinh thì có bao nhiêu em tham gia...”- ông Hùng cho biết.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục