Liên quan đến việc xử lý kỷ luật những lãnh đạo nhận lương “khủng” ở 4 doanh nghiệp công ích, trao đổi với Báo SGGP, TS Nguyễn Việt Hùng (ảnh), Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Cán bộ TPHCM) cho rằng đây là một vụ việc điển hình cho thấy sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của một số tổ chức Đảng rất yếu kém, là một bài học đắt giá về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Khi chưa “sờ” đến, đơn vị vẫn trong sạch, vững mạnh
* Qua vụ lãnh đạo đơn vị công ích nhận lương “khủng”, đồng chí đánh giá như thế nào trong việc xử lý vụ việc của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM?
* TS NGUYỄN VIỆT HÙNG: Tính chất của sự việc đã được thể hiện rõ trong thông báo của Ban Tuyên giáo Thành ủy là “rất nghiêm trọng”, chẳng những làm mất uy tín của cơ quan, mất đoàn kết nội bộ, gây dư luận xấu mà còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, mất uy tín của tổ chức Đảng trong công tác cán bộ… Tuy những cán bộ này đều có quá trình đóng góp, gia đình có truyền thống cách mạng nhưng TPHCM xác định rõ “liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” nên đã kiên quyết xử lý nhằm lấy lại niềm tin của đảng viên và nhân dân TP. Đây là một tổn thất lớn mà tôi tin là những đồng chí lãnh đạo cao nhất của TP có lẽ cũng đã từng có nhiều đêm trắng trước khi ra quyết định kịp thời, đúng mức, đúng bản chất vấn đề như vậy.
* Nhưng lúc vụ việc bắt đầu được “khui ra”, họ vẫn không hề nhận ra mình đã suy thoái?
* Nếu tổ chức không xử lý kiên quyết như vậy thì nhiều người trong số họ còn chưa nhận ra mình bị suy thoái như thế nào. Thậm chí là khi công luận lên tiếng, nhiều người còn biện hộ là “không vi phạm ngân sách”, nào là “lương của tôi 54 triệu đồng trừ thuế còn thấp”… Sự việc đã đến mức đó rồi mà vẫn quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm đến thế là cùng! Đó chính là biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân khi để mình suy thoái dần về mặt tư tưởng, đạo đức, lối sống, mất đi tính tự giác của người đảng viên. Sự tha hóa này là cả một tiến trình chứ không phải là ngày một ngày hai. Trước khi tổ chức “sờ” đến, trước khi có quyết định kỷ luật, đơn vị vẫn trong sạch vững mạnh, bản thân các đồng chí này cũng vẫn là những đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bản thân họ vẫn đi phát bằng khen, trao danh hiệu cho nhiều đảng viên khác đều đặn hàng năm là điều rất khó chấp nhận.
Có nhiều kênh để giám sát cán bộ
* Vì sao vụ việc nghiêm trọng xảy ra kéo dài mà tổ chức Đảng ở Sở GT-VT TPHCM, ở đơn vị không phát hiện, phê bình, đấu tranh ngăn chặn để xử lý kịp thời?
* Trong vụ việc này, những người sai phạm chính là cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tất cả các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhất là tập thể Đảng ủy Sở GTVT TP, các đảng viên được phân công phụ trách, theo dõi địa bàn; những đơn vị có liên quan cũng có trách nhiệm liên đới. Ở đây, có đến 3 nạn nhân: Tổ chức Đảng, người lao động và người dân TP (người thụ hưởng dịch vụ công ích kém). Do đó, phải xem lại vai trò của không chỉ tổ chức Đảng mà còn của Công đoàn, Đoàn Thanh niên. Các tổ chức chính trị xã hội ở những đơn vị này đông mà không mạnh, chồng chéo nhau, Công đoàn tê liệt, Đoàn Thanh niên cũng tê liệt, quy chế dân chủ cơ sở chỉ là hình thức, vì thế mà toàn bộ quyền lợi của người lao động không ai đứng ra bảo vệ. Kiểm tra giám sát là phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng ở đây lại quá yếu. Kiểm tra của ngành dọc yếu, kiểm tra của cấp trên cũng yếu, phản hồi của quần chúng cũng yếu ớt.
* Qua vụ việc này, theo đồng chí, cần rút ra điều gì trong công tác xây dựng Đảng để việc “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” thực chất hơn?
* Trước hết phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, của cấp ủy; đồng thời đổi mới tư duy về xây dựng Đảng. Hãy nhìn nó trực diện, thực tế, nhất là nhìn sâu vào bên trong các hoạt động của tổ chức đó, gắn với con người cụ thể. Làm một cách thực chất, kiểm tra cụ thể, bắt đầu từ chi bộ. Trong chi bộ thì bắt đầu từ cấp ủy và cần đổi mới sinh hoạt từ cấp ủy trở đi. Các chi bộ cơ sở phải thường xuyên dành nhiều thời gian và tâm sức hơn để bàn về nội dung công tác xây dựng Đảng; thường xuyên tự phê bình, phê bình kiểm điểm và đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực trong đơn vị. Cần nghiên cứu có thêm hình thức tiếp thu rộng rãi góp ý để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn. Cần đổi mới công tác cán bộ, từ việc đánh giá, chọn lựa và bổ nhiệm cán bộ, để chúng ta thật sự chọn được những người có đức, có tài vào cương vị lãnh đạo ở mọi ngành, đồng thời phát hiện, thay thế, loại bỏ kịp thời người không xứng đáng ra khỏi bộ máy, nhất là những người đã từng có dư luận “lem nhem” về tiền bạc.
| |
HỒNG HIỆP (thực hiện)