Lợi ích ở đâu?

Hệ lụy của việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện tại Tây Nguyên là câu chuyện không mới nhưng vẫn là vấn đề thời sự nóng bỏng, là thực trạng nhức nhối mà xã hội đang hết sức quan tâm. Tây Nguyên có địa hình đồi dốc và hệ thống sông suối khá dày, đó là điều kiện thuận lợi để xây dựng các công trình thủy điện.

Trước hết, phải khẳng định rằng, thủy điện mang lại lợi ích lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện cả nước có 195 dự án thủy điện đã đưa vào hoạt động, sản xuất 36% sản lượng điện cả nước. Đối với nhà đầu tư, xây dựng nhà máy thủy điện được xem là cỗ máy sinh lời lớn và dễ dàng, dù mức đầu tư ban đầu cao nhưng chi phí vận hành rẻ hơn nhiều so với nhiệt điện và tiền thuế sử dụng tài nguyên đất, nước, rừng là không đáng kể.

Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” các công trình thủy điện đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Để xây dựng một công trình thủy điện, hàng chục đến hàng trăm hécta rừng bị đốn hạ, nhiều diện tích đất sản xuất bị ngập. Phía hạ du thì phải chịu cảnh hạn hán vào mùa khô do thủy điện tích nước, ngập lụt vào mùa mưa do thủy điện xả lũ. Nhưng có lẽ vấn đề bức xúc nhất là đời sống của người dân phải di dời để nhường đất cho dự án thủy điện.

Chủ trương của Nhà nước trong vấn đề tái định cư là nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ, nhưng trên thực tế, nhiều chủ đầu tư thủy điện đã đặt lợi ích của bản thân doanh nghiệp lên trên hết, mà phớt lờ nghĩa vụ giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân, trong đó, tối thiểu là việc bố trí tái định cư, định canh.

Khảo sát các khu tái định cư thủy điện tại Tây Nguyên, có cảm giác rằng nhà đầu tư chỉ làm cho có, chứ không hề nghiên cứu, tìm hiểu có phù hợp với tập quán sinh sống và sản xuất của người dân hay không. Các khu nhà tái định cư thường được xây san sát, không gian sinh hoạt nhỏ hẹp hoàn toàn không phù hợp với người dân Tây Nguyên. Nơi tái định cư lại không có đất sản xuất, hoặc bố trí đất quá xa, đất quá xấu không thể canh tác. Thành ra người dân bỗng dưng trở thành “trắng tay”, phải làm thuê làm mướn, hoặc “ngồi chơi xơi nước” chờ tiền, gạo cứu trợ. Và tất nhiên họ không thể yên tâm định cư ở khu tái định cư.

Dẫn chứng cụ thể và thời sự nhất là dự án thủy điện Đồng Nai 3. Dù đã chính thức phát điện một năm rưỡi nhưng dự án này vẫn chưa giải quyết xong những vướng mắc về đền bù, tái định canh. Sau khi dời đến khu tái định cư, hàng trăm hộ dân xã Đắk P’lao (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắc Nông) bị thất nghiệp do chưa được bố trí đất sản xuất. Tại tỉnh Lâm Đồng cũng còn hàng chục hộ dân ở khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 chưa được nhận đất tái định canh, nhiều hộ khác có đất chưa kịp kiểm kê hiện trạng thì đã bị ngập do thủy điện tích nước, hoặc có đất bị ngập phát sinh (nằm ngoài phạm vi thu hồi) cũng chưa được chủ dự án giải quyết đền bù.

Tại tỉnh Kon Tum, từ năm 2006, hơn 6.000 người dân phải chuyển đến khu tái định cư ở khu vực núi cao ở xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) để nhường chỗ cho thủy điện Plei Krông. Hiện còn 89 hộ chưa nhận đất sản xuất vì đất khô cằn, không sản xuất được, 35 hộ chưa nhận tiền bồi thường do đền bù không hợp lý. Dự án thủy điện An Khê - Ka Nak (huyện K’bang, tỉnh Gia Lai) cũng còn nhiều vướng mắc về vấn đề bồi thường, tái định cư, định canh và giải quyết việc làm cho dân.

Mục tiêu của việc phát triển thủy điện là để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Vậy, sẽ là nghịch lý khi đời sống của chính người dân phải di dời, nhường đất cho dự án thủy điện lại chưa được đảm bảo. Lợi ích chung và riêng, lợi ích của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân tại chỗ vẫn chưa được phân định. Từ chỗ “yên” chuyển sang “di”, người dân đang cần những cơ chế hỗ trợ hợp lý để tái “an cư lạc nghiệp”.

N.Viên

Tin cùng chuyên mục