(SGGP).- Ngày 22-12, phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - viết tắt VietinBank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 ngân hàng, công ty, cá nhân tiếp tục với phần thẩm vấn.
Trước vành móng ngựa, ba bị cáo công tác tại Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Lương Thị Việt Yên (nguyên trưởng phòng, bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù), Hồ Hải Sỹ (nguyên phó trưởng phòng, bị tuyên phạt 6 năm tù), Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên giao dịch viên, bị tuyên phạt 4 năm tù) xin được giảm nhẹ hình phạt.
Lời khai của hai bị cáo Sỹ và Lợi cho thấy do tin tưởng việc Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) giới thiệu Dương Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Bé Năm là khách hàng lớn, không cần trực tiếp đến làm thủ tục mở tài khoản nên bị cáo Việt Yên đã bị Sỹ, Lợi lập và duyệt hồ sơ mở tài khoản mà không có mặt của hai người này để ký chữ ký mẫu theo đúng quy định. Do vậy, các bị cáo không phát hiện các chữ ký của Nguyệt, Năm trong hồ sơ mở tài khoản là chữ ký do Huyền Như ký giả.
Việc làm này tạo điều kiện cho Huyền Như thực hiện trót lọt việc giả mạo chữ ký để mở được tài khoản nhận 50 tỷ đồng do Nguyệt và Năm chuyển vào. Sau đó Huyền Như tiếp tục ký giả chữ ký của Nguyệt, Năm trên lệnh chi và làm thủ tục chuyển toàn bộ 50 tỷ đồng để chiếm đoạt. Đối với việc bị cáo Việt Yên không thừa nhận lời khai của cấp dưới về việc chỉ đạo mở tài khoản, công tố viên nói: “Chúng tôi sẽ căn cứ vào hồ sơ và lời khai của các bị cáo tại tòa để xem xét, đánh giá”.
Hội đồng xét xử cũng thẩm vấn hai bị cáo cho Huyền Như vay tiền với lãi suất cao. Bản án sơ thẩm nhận định: từ đầu năm 2009 đến tháng 6-2011, bị cáo Tuyết Dung cho bị cáo Huyền Như vay 265,7 tỷ đồng với mức lãi suất 0,4%/ngày - cao hơn 10 lần lãi suất cao nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nhận lại 440,4 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi.
Tại phiên tòa, bị cáo Tuyết Dung xin hội đồng xét xử xem xét lại, số tiền thu lợi bất chính 174,7 tỷ đồng bị quy kết là cao hơn so với thực tế. Tuy nhiên, bị cáo không chứng minh được số tiền lãi bị cáo thực hưởng là bao nhiêu.
Tương tự, bị cáo Thiên Lý cũng cho rằng việc bị quy kết thu lợi bất chính 735,3 tỷ đồng từ việc cho Huyền Như vay tiền không đúng thực tế. Được gọi lên đối chất, bị cáo Huyền Như xác nhận đã vay của bị cáo Lý tổng số tiền 554 tỷ đồng và 340.000USD với lãi suất từ 0,4% đến 1,7%/ngày và đã trả cho Lý 1.296,3 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Lý xác nhận những bản khai nào tại cơ quan điều tra là đúng thì bị cáo ký xác nhận. Thế nhưng khi chủ tọa phiên tòa nhắc đến những lời khai cho thấy số tiền bị cáo hưởng lợi bất chính như cấp sơ thẩm quy kết thì lập tức bị cáo phủ nhận: “Lời khai tại cơ quan điều tra không hoàn toàn chính xác, khách quan”. Chủ tọa phiên tòa mở những tài liệu được trích từ sổ sách của bị cáo Lý, đặt vấn đề nếu đúng là trong những khoản tiền chuyển cho bị cáo Huyền Như vừa có góp vốn đầu tư mua cổ phiếu vừa có cho vay lãi nặng thì tại sao trong sổ không ghi cụ thể.
Bị cáo Lý phân trần rằng do tin tưởng bị cáo Huyền Như nên không ghi rõ mà chỉ ghi nháy để hai bên ghi nhớ. “Sổ tay của bị cáo toàn ghi mật mã, ký hiệu, có cảm tưởng để nhằm che đậy một việc gì đó không minh bạch. Sao bị cáo không ghi rõ khoản vay bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu?” - chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi.
ÁI CHÂN
- Phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Các nhân viên ngân hàng thừa nhận làm sai