Tuy nhiên, có một thực tế là, khi nhà xây xong đã lâu, người được bố trí tái định cư thì không vào ở, nguồn ngân sách hoàn lại cho doanh nghiệp thì chưa “sắp xếp” kịp, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào thế “mắc cạn” với chính mình. Và, lối ra cho các doanh nghiệp này không thể nào khác là thuận chủ trương để họ chuyển nhà tái định cư trở thành nhà ở thương mại một cách hợp lý..
Nỗ lực “lấp đầy” các dự án tái định cư
Ghi nhận thực tế tại TPHCM trong thời gian qua, khi các doanh nghiệp đã bắt tay vào làm việc này thì quỹ nhà ở tái định cư cho người dân thành phố đã dồi dào hơn, căn hộ cũng chất lượng hơn. Dù rằng, nơi ở mới “luôn bằng và hơn nơi ở cũ” nhưng vì nhiều lý do, cùng với thói quen “địa lý” về sinh hoạt và mưu sinh, nên có một thực tế là, dù được bố trí vào căn hộ tái định cư nhưng người dân không vào ở. Tháng 3-2018, Kiểm toán Nhà nước đã công bố báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 - 2020 của TPHCM. Trong báo cáo chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế trong công tác đầu tư, xây dựng nhà tái định cư gây lãng phí. Đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) việc đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư chưa phù hợp nhu cầu thực tế.
Đối với 3 dự án xây dựng chung cư thuộc khu tái định cư 38,4ha (phường Bình Khánh, quận 2), đến thời điểm kiểm toán, mới chỉ có dự án 1.080 căn được bàn giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng KĐTMTT và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 (đơn vị vận hành) để đưa vào sử dụng. Hai dự án còn lại (2.220 căn hộ và 1.570 căn hộ) đã trải qua thời gian từ 17-19 tháng kể từ khi chủ đầu tư hoàn thiện, vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
New City là dự án đầu tiên được chuyển đổi sang mục đích thương mại theo chủ trương của Chính phủ
để thu hồi vốn đầu tư cho doanh nghiệp
để thu hồi vốn đầu tư cho doanh nghiệp
Có thể nói, tình trạng thừa quỹ nhà đất tái định cư không chỉ diễn ra ở các dự án xây dựng nhà tái định cư cho KĐTMTT mà còn ở nhiều nơi, tính trên toàn địa bàn thành phố, quỹ nhà dư thừa chưa bố trí 14.366 căn nhà, nền đất. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thừa nhà tái định cư là hậu quả tích lũy của một quá trình lâu dài chứ không chỉ là câu chuyện thừa nhà tái định cư của riêng dự án KĐTMTT…
Đã được phép bán nhà tái định cư dư thừa… Còn nhớ, trong buổi họp báo thường kỳ hồi tháng 3-2018 của Sở Xây dựng TPHCM, nội dung buổi họp xoay quanh câu chuyện thừa nhà tái định cư. Theo Sở Xây dựng, việc thừa nhà và nền đất tái định cư trên là do chính sách bồi thường, tái định cư thay đổi theo hướng ngày một thoáng hơn. Trước đây, chính sách bồi thường đất của người dân theo giá thấp, các hộ dân bị di dời có xu hướng nhận nhà tái định cư nhiều vì có lợi hơn phương án nhận tiền bồi thường. Nhưng nay chính sách bồi thường thoáng hơn, giá bồi thường ngang bằng giá thị trường, giá nhà tái định cư cũng cao bằng giá thị trường nên người dân muốn nhận tiền để tự lựa chọn nơi ở. Một nguyên nhân khác dẫn đến việc thừa nhà tái định cư đó là do trước đây có quy định phải có nhà tái định cư trước khi di dời người dân, điều này bắt buộc TPHCM phải chuẩn bị quỹ nhà tái định cư lớn. Về hướng xử lý đối với quỹ nhà tái định cư dôi dư, ông Trần Trọng Tuấn-Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, thành phố cho phép bán đấu giá để thu hồi vốn. Hơn 5.200 căn hộ và nền đất tái định cư dư thừa sẽ được đưa ra bán đấu giá. Trong đó, gồm 3.790 căn thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), 1.000 căn tại khu tái định cư xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) và 200 căn hộ tại dự án tái định cư Phú Mỹ (quận 7)... Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao không chuyển quỹ nhà tái định cư dôi dư sang làm nhà ở xã hội mà phải đem bán? Ông Trần Trọng Tuấn cho rằng giá thành của các căn hộ tái định cư rất cao, không phù hợp bán làm nhà ở xã hội. Mặt khác, theo quy định nhà ở xã hội có ưu đãi, không nộp tiền sử dụng đất, còn nhà ở tái định cư đã nộp tiền sử dụng đất. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, để giải quyết số căn hộ dư thừa (3.790 căn hộ) TPHCM đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển từ phục vụ tái định cư sang nhà ở thương mại và đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, các dự án tái định cư tại Thủ Thiêm là một điển hình sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu người dân, dẫn tới việc thành phố khó tổ chức tái định cư thành công. Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp tham gia hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) đang gặp nhiều khó khăn khi bị “ngâm vốn”, họ đang rất cần chính sách phù hợp để hỗ trợ chuyển đổi thành nhà ở thương mại. Mới đây một trong những đơn vị có hợp đồng BT với thành phố là công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt đã được chấp thuận chuyển đổi dự án tái định cư thành dự án thương mại để thu hồi vốn. Trên cơ sở được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 24/TTg-CN ngày 7-3-2017, UBND thành phố đã ban hành văn bản số 259/UBND-ĐT ngày 30-3-2018, theo đó thành phố chủ trương giao mặt bằng khu đất thực hiện dự án New City (dự án 1.330 căn hộ) để chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án với mục tiêu thương mại.
Được biết, hiện Công ty Thuận Việt cũng đã hoàn thành nghĩa vụ tạm nộp giá trị quyền sử dụng đất của khu đất thực hiện dự án theo văn bản số 2267/STC-NS của Sở Tài chính TPHCM. Theo đó, Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Công ty Thuận Việt đã thanh lý hợp đồng mua 1.330 căn hộ đã được ký trước đây, theo Biên bản thanh lý số 371/2018/TL-BQL-TC ngày 30-3-2018. Dự án New City đến nay đã được Công ty Thuận Việt xây dựng hoàn thành và đã nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan đã tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định.
Được biết, cuối năm 2016 TPHCM mới thực hiện mua lại 6.714 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí tái định cư trên tổng số 12.500 căn hộ. Tính đến cuối tháng 8-2017, TPHCM mới bố trí tái định cư được 1.759/6.714 căn hộ.