Lỗi tại ai?

Thời phong kiến với nhiều quan niệm khắt khe, phụ nữ thời ấy phải có đủ các yếu tố tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Thời bây giờ, người phụ nữ vừa gánh vác một phần kinh tế gia đình vừa phải nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giữ gìn hạnh phúc… Đời sống kinh tế ngày một phát triển, cơm no áo ấm nhưng nền nếp sinh hoạt, văn hóa gia đình dường như bị buông lơi.
Lỗi tại ai?

Thời phong kiến với nhiều quan niệm khắt khe, phụ nữ thời ấy phải có đủ các yếu tố tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Thời bây giờ, người phụ nữ vừa gánh vác một phần kinh tế gia đình vừa phải nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giữ gìn hạnh phúc… Đời sống kinh tế ngày một phát triển, cơm no áo ấm nhưng nền nếp sinh hoạt, văn hóa gia đình dường như bị buông lơi.

Bây giờ, những người lớn tuổi thường trách móc lớp trẻ sao khó dạy nhưng hiếm khi tự vấn lại hành vi, lời nói, hành động của mình đã gián tiếp ảnh hưởng đến việc giáo dục nét văn hóa cho lớp trẻ. Chúng nghĩ gì khi không ít các bậc cha chú xưng hô với nhau bằng các từ ngữ khó nghe: “mày”, “tao”… hay văng tục vô tư khi nói chuyện. Nhiều người còn có hành vi kém văn hóa trong ứng xử như: nói xấu, nói dối nhau, đánh nhau, nguyền rủa người thân, họ hàng gia tộc… trước mặt bọn trẻ. Họ có biết, khi ấy bọn trẻ nghĩ gì? Trong không ít gia đình, những người lớn không quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ dòng tộc, hệ quả đi kèm là lớp trẻ mù mờ về gia phả của mình, mù tịt về nguồn gốc tổ tiên, ông bà, người thân trong thân tộc, kể cả việc xa lạ với nơi chôn nhau cắt rốn của mình, gia đình mình.

Bữa cơm gia đình

Thực tế còn cho thấy, phụ nữ hiện nay rất hiếm người ru con bằng những câu ca dao, tục ngữ hay lời hát ru dân gian xưa hoặc rất xa lạ với những chuyện cổ tích đầy tính nhân văn, có tác dụng giáo dục rất sâu sắc và thâm thúy. Khá nhiều bà mẹ thực sự bối rối trước tình huống con mình không chịu khoanh tay, cúi đầu, nói lời chào hỏi khách đến thăm nhà. Thay vào đó là thái độ khó chịu, khiên cưỡng. Một trường hợp khác: Vào những dịp tết, khách đến thăm nhà sẵn dịp lì xì cho trẻ. Chưa để khách ra về, chúng xé toạc phong bao để xem số tiền trong đó là bao nhiêu. Mừng rỡ khi bắt gặp số tiền to, buồn thiu khi nhìn thấy số tiền quá “khiêm tốn” và không buồn nói lời cám ơn người đã lì xì. 

Ngày xưa, các bậc phụ huynh luôn dạy trẻ khi nói chuyện với người lớn thì mở miệng luôn có hai từ dạ, thưa; nhận bất kỳ hay đưa bất kỳ vật dụng gì cho người lớn cũng phải dùng hai tay với thái độ cung kính và biết cảm ơn. Đến bữa cơm, bao giờ người nhỏ trong nhà cũng đợi người lớn cầm đũa trước rồi mới cầm đũa lên theo. Khi ăn, phải lựa những miếng ăn ngon để gắp vào chén cho người cao tuổi, lựa chỗ ngồi gần nồi để xới cơm cho các cụ… Người lớn còn phải thường xuyên dạy cháu con phải kính cha, thờ mẹ, hiếu thảo, lễ phép với ông bà. Mỗi khi đi làm, ra khỏi nhà hay khi trở về nhà phải thưa gởi rất lễ phép. Tất cả đã gián tiếp tạo nếp nghĩ, tập quán thuần tục trong lòng lớp trẻ. Phụ huynh nên dành thời gian kể cho các con trẻ nghe những câu chuyện cổ tích về sự hiếu thảo, lòng thủy chung, sự nhân ái, truyền thống văn hóa của gia đình, họ hàng, dân tộc, quê hương…

Qua nghiên cứu dư luận xã hội, nhiều phụ huynh đã than vãn bọn trẻ bây giờ quá “kiệm lời” với người lớn nhưng lại hào phóng “tám” cả ngày trên máy tính, điện thoại… thậm chí còn “nhiều chuyện” với cả những người không quen biết. Chuyện đi thưa về trình hình như đã quá xa lạ. Chúng còn dùng tiếng lóng để nói về ba mẹ như “ổng”, “ bả”… Ngày tết, chuyện chúc tết ông bà, cha mẹ, viếng thăm họ hàng, viếng mộ thân tộc, thăm thầy cô giáo... chúng cũng không buồn nhớ đến. Nếu được nhắc nhở thì lại đi một cách miễn cưỡng.

Làm sao để lưu giữ được những nét đẹp của văn hóa trong gia đình?

Dưới một mái nhà, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng, đặc biệt trong cuộc sống hiện đại. Ngoài việc hoàn thành trách nhiệm với xã hội, người phụ nữ là người giữ nhịp, tạo nên bầu không khí ấm cúng cho gia đình, nhẹ nhàng, bình tĩnh trong mối quan hệ với các thành viên, nhất là khi xảy ra những xung đột bất hòa. Gương mẫu, lễ phép với ông bà, tế nhị với mọi người xung quanh để nêu gương. Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng cần  giành nhiều thời gian cùng con em tiếp xúc, gần gũi với họ hàng, dòng tộc, để giáo dục lòng tôn kính người lớn, hướng các em tới cách ứng xử có văn hóa thông qua những hành động cụ thể, những câu chuyện dân gian ý nghĩa. Nên dành thời gian đưa con em tham quan các khu di tích lịch sử văn hóa để mở rộng tầm nhìn và nâng cao nhận thức. Luôn nâng cao chất lượng sống và hạnh phúc gia đình. Duy trì tốt các bữa cơm có đầy đủ các thành viên để tạo sự cảm thông, chia sẻ hầu giữ gìn ngọn lửa ấm yêu thương và giữ nếp nhà luôn hạnh phúc.


Song Anh

Tin cùng chuyên mục