Lộn xộn băng rôn - bảng hiệu

Lộn xộn băng rôn - bảng hiệu

Tình trạng treo đặt bảng hiệu tại rất nhiều cửa hàng kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố diễn ra tạp nhạp, sai quy định như: nội dung không rõ ràng, dùng chữ nước ngoài không đúng quy định, che chắn mặt tiền nhà, vượt quá diện tích cho phép, ghép chung với bảng quảng cáo…

  • Gương mặt thẩm mỹ của thành phố - Tạp nham bảng hiệu...
Lộn xộn băng rôn - bảng hiệu ảnh 1

Bất kỳ nơi đâu treo dán được là có quảng cáo treo, dán lộn xộn làm mất mỹ quan thành phố.

Theo số liệu kiểm tra, đến nay xác định được 5.289 bảng biển vi phạm quy định. Sau đợt kiểm tra xử lý, một số công ty quảng cáo, tổ chức, doanh nghiệp, cửa hàng… đã tự chấn chỉnh lại việc viết, đặt bảng hiệu theo quy định, tháo gỡ các hộp đèn không phép. Tuy nhiên, những tồn tại hiện nay còn rất lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ, cảnh quan đô thị.

Gần đây xuất hiện rất nhiều bảng hiệu với diện tích lớn như một bảng quảng cáo lắp đặt tại cửa hàng, đại lý che khuất mặt tiền nhà (điển hình như “Mắt kính...”, “Trường ngoại ngữ…”); khá phổ biến tình trạng ghép nội dung quảng cáo với nội dung bảng hiệu, dùng chữ nước ngoài lớn hơn chữ Việt Nam hoặc dùng toàn chữ nước ngoài.

Một số cửa hàng ăn uống tại các quận 1, 3, 5, Tân Bình chỉ ghi tiếng Hoa, Nhật hoặc Hàn Quốc. Nhiều cửa hàng quảng cáo trên dù, bạt che nắng lấn chiếm không gian, đưa bảng hiệu, bảng quảng cáo xuống lòng lề đường, thực hiện quá số lượng cho phép, nhất là tại cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán vật liệu xây dựng, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thuốc tây, cửa hàng điện thoại di động.

Dạo quanh phố phường, người ta dễ dàng bắt gặp những bảng hiệu lam nham, lổn nhổn quảng cáo cho các quán nhậu, làng nướng Nam bộ, bánh xèo miền Trung, phố ẩm thực… và cũng chính những nơi ấy thường treo đặt nhiều thương hiệu sản phẩm, logo đơn vị, quảng cáo các mặt hàng từ điện tử, mỹ phẩm cao cấp đến đồ lót, bông băng... đã gây phản cảm cho công chúng.

  • Bao giờ xử lý dứt điểm?

Những nơi treo đặt bảng hiệu mất trật tự rõ ràng nhất tại các khu vực Hai Bà Trưng (quận 1); Phan Đăng Lưu- Hoàng Văn Thụ- Phan Đình Phùng (Phú Nhuận); Hàng Xanh- tuyến Bạch Đằng (Bình Thạnh). Phòng VHTT-Thể Thao Bình Thạnh đã tổ chức 2 đợt kiểm tra chấn chỉnh, ghi nhận có 31 cơ sở đặt bảng hiệu có kèm quảng cáo, 70 cơ sở treo bảng hiệu không đúng kích thước hoặc quá số lượng quy đinh, 12 cơ sở có bảng hiệu không gắn tại cơ sở (đặt tại đầu hẻm).

Quận 5 đã mời trên 800 cơ sở treo đặt bảng hiệu sai quy định ký cam kết sửa chữa, lập 287 biên bản kiểm tra. Phú Nhuận đã buộc tháo gỡ tại chỗ 260 bảng hiệu sai quy định, lập biên bản vi phạm 4 trường hợp quảng cáo không phép, bôi xóa 4.500 mẩu quảng cáo rao vặt. Quận 10 xử lý 14 trường hợp vi phạm và phạt 31.250.000 đồng, buộc tháo gỡ 320 bảng quảng cáo, bảng hiệu sai quy định, bôi xóa 8.803 số điện thoại khoan cắt bê tông, tháo gỡ 282 băng rôn treo trái phép v.v…

Như vậy một số địa phương đã tích cực ra quân dọn dẹp chấn chỉnh bảng hiệu sai quy định nhưng xem ra vẫn chưa thấm vào đâu so với tần suất và số lượng bảng biển mất trật tự hiện nay. Ước chừng có nhiều vạn cái bảng treo đặt trái Quyết định 108 của UBND TPHCM nhưng chủ bảng vẫn nại nhiều cớ khác nhau để cố duy trì, như sự tồn tại đã có từ lâu, đã lỡ coi ngày giờ làm ăn nên sửa không được”... Như vậy câu hỏi đặt ra là bao giờ giải quyết dứt điểm tình trạng này? Chỉ có chính quyền thành phố với một bộ máy quản lý mạnh, đồng bộ thì mới có câu trả lời chính xác.

Nói cách nào đi nữa thì chúng ta không thể để ngôi nhà chung làng nhàng rác rến bảng biển như hiện nay! Và cũng chẳng có gì đáng tự hào về một thành phố có quá nhiều bảng biển nhà hàng, làng nướng, quán nhậu, tiệm cà phê, bar rượu… Công tác chấn chỉnh bảng biển đòi hỏi phải làm quyết liệt, liên tục, đồng bộ giữa các địa phương, không để phát sinh thêm những bảng mới sai quy định song song với việc thu hẹp, giảm dần bảng cũ không còn phù hợp.

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục