Vươn lên từ những khó khăn, bằng đôi tay và nhiệt huyết tuổi trẻ, chàng thanh niên niên ấy không những tạo cho mình cuộc sống tự lập mà còn giúp nhiều thanh, thiếu niên khác có được một nghề chân chính để bước vào cuộc sống.
Mấy năm qua, tiệm sửa xe gắn máy Khoa của anh chàng Tiêu Anh Khoa đã trở nên quen thuộc với bà con khu phố 1, đường Vĩnh Khánh, phường 8, quận 4, TPHCM. Bởi lẽ, đây là nơi mà như một phụ huynh đã nói, “hết sức an tâm” khi đưa con, em, cháu mình đến xin học nghề sửa xe gắn máy. Không những nhiệt tình và chân thành, mọi người còn tin yêu Khoa ở tính chịu khó, biết vươn lên trên bước đường tự lập.
Để được “làm chủ” như hôm nay, Khoa cũng phải trải qua không ít tháng ngày vất vả. Cha mất từ khi anh còn nhỏ. Người mẹ bươn chải với đủ các công việc thuê mướn nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. Khoa đã phải ở nhờ nhà người dì ở Bến Cát, Bình Dương. Ngoài giờ học ở trường với những con chữ, con số, Khoa cũng bắt đầu làm quen với cờ lê, mỏ lết trong tiệm sửa xe của dượng. Đến năm lớp 8, Khoa ngưng học văn hóa và xác định tập trung học nghề sửa xe để tự lo cho cuộc sống tương lai.
Rời Bình Dương, Khoa đến TPHCM ở trọ tại khu phố 1, phường 8, quận 4 và xin vừa làm, vừa học nghề tại các tiệm sửa xe gắn máy. Cũng mất 6-7 năm học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm, khi thấy tay nghề đã vững, Khoa bắt đầu nghĩ đến chuyện mở tiệm cho riêng mình.
Đồ nghề vốn đã được Khoa dành dụm, mua sắm dần trong quá trình làm thuê nên không lo, cái khó là mặt bằng và vốn liếng. “May nhờ có các cô chú địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ về mặt bằng, còn người thân mỗi người giúp cho một ít vốn nên cuối cùng tiệm sửa xe mang tên Khoa cũng ra đời” – Khoa nhớ lại, giọng đầy biết ơn.
Sau đó ít lâu, các cô chú trong khu phố bảo Khoa dạy nghề cho thanh, thiếu niên địa phương. Vậy là Khoa thành “giáo viên nghề”. Dần dần, tiếng lành đồn xa, không những thanh, thiếu niên trong phường mà cả các phường khác hay thậm chí từ các tỉnh cũng tìm đến “học anh Khoa”. “Dạy cho các em cũng vui nhưng có nhiều em tuổi mới lớn nên còn rất ham chơi. Những lúc ấy, bên cạnh việc nhắc nhở thì mình phải liên lạc với gia đình để kịp thời uốn nắn, tránh để các em sa đà vào tệ nạn” – Khoa tâm sự.
Không có một giáo án soạn sẵn nào, Khoa dạy nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc một cách cụ thể và tỉ mỉ theo từng hỏng hóc của xe. Bên cạnh việc dạy nghề miễn phí, Khoa còn lo cho các bạn bữa cơm trưa. Sau, tay nghề bạn nào khá lên sẽ được Khoa trả lương. Số tiền không nhiều nhưng như sự động viên, khuyến khích các bạn học tốt hơn.
Em Phạm Văn Lý khi được hỏi vì sao chọn học nghề chỗ Khoa đã cười toe: “Học ở đây thích lắm. Cái gì không biết hỏi là được anh Khoa trả lời rất tận tình. Ngoài ra, anh còn dạy cho cách ứng xử hàng ngày nữa”.
Còn em Nguyễn Văn Bình Minh nhà ở Đồng Nai, nhờ người quen giới thiệu đến học nghề chỗ Khoa nói đầy hào hứng: “Em vốn thích nghề sửa xe, ở đây được anh Khoa nhiệt tình chỉ cho từng chút một nên học rất dễ và vui. Em sẽ cố gắng học để sớm có nghề”.
THANH PHÚC