Lớp học “trên mặt biển”

Gian nan con chữ
Lớp học “trên mặt biển”

Đó là lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) do thượng úy Trần Bình Phục, công tác tại Đồn biên phòng 704, trực tiếp đứng lớp.

Thượng úy Trần Bình Phục đang hướng dẫn từng con chữ cho các cháu lớp học tình thương.

Thượng úy Trần Bình Phục đang hướng dẫn từng con chữ cho các cháu lớp học tình thương.

Gian nan con chữ

Giữa khơi vùng biển Tây Nam thuộc tỉnh Cà Mau có một hòn đảo nhấp nhô, trên đỉnh là ngọn hải đăng cùng trạm radar của một đơn vị bộ đội Hải quân Vùng 5 sừng sững vươn cao vào tầng mây trắng. Con tàu HQ 627 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đưa chúng tôi cập đảo. Một làng dân cư tạm bợ với chừng 20 nóc nhà hiện ra. Gọi là nhà nhưng thật ra chỉ là những sàn gỗ dựng bám vào vách đá như kiểu nhà sàn ở ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Sài Gòn trước đây. Cả ngôi làng dưới chân đảo này tập họp người dân tứ xứ, đông nhất là người Khmer. Do còn nghèo nên phần lớn người dân nơi đây không biết chữ. Hơn nữa, sống giữa đảo xa bốn bề sóng biển như thế lấy đâu ra trường để cho con đi học. Rồi một ngày nọ, những người lính biên phòng đóng quân từ trên cao xuống làng vận động trẻ em ra lớp. Một sự kiện như bước ngoặt thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về việc quan tâm đến con chữ trong người dân ở nơi heo hút này.

Từ chân đảo lên đến lớp học tình thương của Đồn biên phòng 704 phải leo cao 303 bậc thang xi măng. Vị trí lớp học ở độ cao 209m so với mặt biển. Vì vậy, thời gian đầu vận động các cháu ra lớp rất khó khăn, do cha mẹ bận đi làm không ai đưa cháu đến lớp. Các chiến sĩ biên phòng mỗi sáng phải xuống làng cõng các cháu leo lên. Lớp học ban đầu chỉ vài cháu, nay tất cả các cháu trong độ tuổi đều được cha mẹ cho đi học. Hiện lớp học có 21 cháu, tổ chức lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 5.

Cháu Trần Thị Thảo (15 tuổi, quê ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) theo cha mẹ ra sinh sống ở đây từ nhỏ, đang học lớp 5, lớn tuổi nhất lớp học tình thương này và cũng xem như lớp trưởng, tâm sự: “Cháu lớn tuổi nhưng vẫn cố gắng đi học biết chữ để đổi đời. Khi 10 tuổi, cháu vẫn chưa một lần được đi học. May có các chú bộ đội mở lớp cháu mới được như hôm nay. Giờ thì cả làng nể cháu, bởi khi ai muốn đọc chữ gì đều đến nhờ cháu”.

Tấm lòng của thầy giáo “lính”

Đoàn nhà báo lên thăm lớp học tình thương của Đồn biên phòng 704 trong buổi sáng. Lúc đến nơi đã 8 giờ nhưng trời âm u nên lớp học tối om. Nhìn quanh lớp lợp tôn, che tạm trống trơ, không có một bóng điện nào. Người thầy giáo vẫn say sưa giảng bài. Tìm hiểu mới biết, ánh điện cho lớp học còn quá xa. Thầy giáo thượng úy Trần Bình Phục cho biết, anh quê ở Trà Vinh, ra đảo công tác từ năm 2009. Lúc đầu đơn vị phân công anh làm công tác phòng, chống gió bão. Sau thời gian tìm hiểu đời sống người dân, anh thấy xót xa vì không cháu nhỏ nào biết chữ. Liền sau đó, anh đề nghị đơn vị thử tổ chức lớp học tình thương và tình nguyện đứng lớp mỗi ngày. Mới đó mà đã hơn 5 năm rồi.

Nhìn 21 cháu nhỏ đủ lứa tuổi, đủ cấp lớp tươm tất trong bộ đồng phục xinh đẹp ê a từng trang vở, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, thượng úy Trần Bình Phục tâm sự: “Biết hôm nay có khách đến thăm nên các cháu mặc đồng phục đẹp vậy đó. Bộ quần áo đồng phục duy nhất này được một trường tiểu học trong đất liền gửi tặng. Các cháu rất quý nên giữ gìn cẩn thận, có dịp quan trọng mới đem ra mặc. Ngày thường, các cháu có gì mặc nấy đến lớp.

Hỏi về việc mỗi ngày các cháu đến lớp còn khó khăn không? Thượng úy Phục cười tươi “Bây giờ người dân đã biết quý trọng con chữ cho con cháu rồi. Bất kể ngày mưa hay nắng, các cháu đều đến lớp đầy đủ. Bản thân các cháu rất ham học nên dù đã dạy từ thứ hai đến thứ bảy, nhưng nhiều cháu còn đòi thầy dạy luôn ngày chủ nhật vì “ở nhà buồn quá”! Đáng quý nữa là, trong đợt dông lớn vừa rồi, tưởng chừng lớp học bị gió tốc bay. Sau dông, nhiều phụ huynh đã rủ nhau lên lớp, người đóng chỗ này, người sửa chỗ kia để lớp kiên cố hơn.

Chia tay chúng tôi, thầy giáo thượng úy Trần Bình Phục ao ước: “Ở đây anh chỉ có khả năng dạy các cháu đến lớp 5. Sau lớp này, phụ huynh nào có khả năng thì cho cháu vào đất liền học lên tiếp. Tuy nhiên, do là lớp học tình thương, thầy giáo cũng... nghiệp dư nên biết đâu dạy đó. Thỉnh thoảng có dịp đi phép, anh tìm đến các trường ở đất liền để xin hướng dẫn giáo án... Vậy nhưng, làm sao để công nhận các cháu học hoàn thành bậc tiểu học theo quy định của Bộ GD-ĐT để tiếp tục học lên lớp 6 vẫn còn là một việc quá nan giải!

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục