Lớp học trên sông

Suốt 10 năm qua, thầy giáo Lê Văn Tùng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã tận tụy làm thêm việc mới là dạy kỹ năng bơi cho hàng ngàn trẻ em vùng lũ.
Lớp học trên sông

Suốt 10 năm qua, thầy giáo Lê Văn Tùng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã tận tụy làm thêm việc mới là dạy kỹ năng bơi cho hàng ngàn trẻ em vùng lũ.

Sau lần suýt đuối nước hồi còn nhỏ, Lê Văn Tùng đã ráng học bơi thật giỏi, rồi nảy ra ý tưởng sẽ tự mình mở lớp dạy bơi, giúp trẻ có kỹ năng tự lo mỗi khi mùa lũ dữ về. Tốt nghiệp Khoa Giáo dục thể chất Trường Đại học Vinh, được phân công về dạy học tại quê nhà ở xã Cẩm Trung, tranh thủ ngoài giờ đứng lớp, thầy giáo trẻ ấy bắt đầu mở lớp dạy bơi miễn phí, thu hút rất nhiều trẻ em tuổi từ 8 - 16 đến học bơi. Những ngày đầu, thầy Tùng đến các nơi sửa xe đạp, xe máy xin ruột xe làm phao bơi, xin tre nứa của người dân làm cọc tiêu...

Việc làm của thầy đã dần được sự ủng hộ tích cực của phụ huynh, chính quyền địa phương và đoàn thanh niên các xã Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc. Ngoài việc hướng dẫn kỹ năng bơi lặn thông thường, trẻ còn học cách lánh nạn và cứu đuối cơ bản mỗi khi gặp tình huống nước chảy xiết. Điều đáng mừng là suốt 10 năm nay, kể từ khi có lớp dạy bơi miễn phí của thầy Tùng, tại Cẩm Xuyên gần như không còn tình trạng trẻ em bị đuối nước như trước đây nữa. Lớp dạy bơi của thầy Tùng đã thu hút hơn 5.000 lượt trẻ em ở khu vực này tham gia và dần trở thành mô hình điểm được nhân rộng tại nhiều nơi ở Hà Tĩnh.

Thầy giáo Lê Văn Tùng đang hướng dẫn các em học sinh kỹ năng bơi lặn tại Cửa Nhượng (Hà Tĩnh)

Ông Đặng Quốc Hiền, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Cẩm Xuyên, cho biết ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, không có hồ bơi, thiếu sân chơi, nên cứ vào hè, học sinh thường rủ nhau ra tắm và vui chơi ở các sông, suối, ao, hồ. Nhiều vụ thương tâm đã xảy ra vì trẻ bị đuối nước. Từ những lớp học ban đầu trên sông Rác (giáp ranh 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên), đến nay, với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và ngành giáo dục, lớp dạy bơi của thầy Tùng đã trang bị khá đầy đủ phương tiện dạy học bơi tại khu vực cửa biển Cửa Nhượng, dưới chân cầu Trung Lĩnh, nối 2 xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Trung của huyện Cẩm Xuyên. Nhiều phụ huynh đề xuất góp chi phí cho lớp học, nhưng thầy thiệt tình không nhận vì: “Trẻ em vùng sông nước nghèo lắm, đến trường còn mặc quần áo vá, cơm ăn chưa đủ no, mình nỡ lòng nào lấy tiền của các em”.

Đặc biệt, thầy giáo trẻ Lê Văn Tùng còn là cầu nối nhân đạo, là cánh tay nối dài những tấm lòng nhân ái đến với người nghèo, người bất hạnh ở vùng quê nghèo còn lắm khó khăn, qua việc viết thư, gặp phóng viên các báo đài đề xuất viết bài kêu gọi giúp người nghèo. Thầy Tùng cũng thường thông tin đến Báo SGGP về những trường hợp ngặt nghèo trong cuộc sống cần cứu giúp ở huyện Cẩm Xuyên, như trường hợp cụ Nguyễn Thị Mạo, cụ Lê Thị Tri, cháu bé Nguyễn Đình Kỳ…, phóng viên viết bài đăng mục Hoàn cảnh cần giúp trang Nhịp cầu nhân ái thứ hai và thứ năm hàng tuần, được bạn đọc hảo tâm thương cảm chung tay giúp đỡ mỗi hoàn cảnh hàng chục triệu đồng.

Năm 2007, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tặng thầy Lê Văn Tùng bằng khen. Năm 2011, Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng giải Cánh Én và được vinh danh là một trong 10 tổng phụ trách Đội tiêu biểu cả nước, là người có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng mô hình hoạt động Đội tại cơ sở, trong đó có mô hình được đánh giá cao là “Lớp học trên sông”. Năm 2012, thầy Lê Văn Tùng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Bộ Giao thông Vận tải tặng kỷ niệm chương và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tuyên dương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào đảm bảo an toàn giao thông…

DƯƠNG QUANG - BÙI THẢO

Tin cùng chuyên mục