Bỏ gậy gộc, giáo mác cầm chũm chọe chập cheng
Lúc 19 giờ hàng ngày, khoảng sân trước UBND phường 14 (quận 8) dập dồn tiếng “tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng…”. Âm điệu đã trở nên quen thuộc suốt 7 năm với cư dân nơi đây. Trong âm thanh thân thiện, người lớn ở khu phố vẫn người nào việc nấy. Còn đám trẻ em vẫn thế, với âm thanh sôi động, kèm theo những màn nhào lộn vui mắt chưa bao giờ là cũ và hàng ngày, đến giờ đó, đám trẻ luôn háo hức vây quanh một nhóm hơn 30 thanh thiếu niên đang tập múa lân. Họ là thành viên nhóm lân - sư - rồng Long Việt, nhóm múa đặc biệt của những thanh thiếu niên có độ tuổi từ 12-29, tuổi đời còn trẻ nhưng trước đó đã có một quá khứ khá gai góc, thường lêu lổng, đánh nhau, quậy phá đêm ngày.
Lục Minh Lộc (29 tuổi), người lớn tuổi nhất trong nhóm, bỏ học từ lớp 10, từng “tầm ngưu, tầm mã” không ngán thứ gì và sống bằng bán giấy dò xổ số. Lúc 21 tuổi, qua 5 năm làm “anh chị”, Lộc nhận ra cuộc đời mình “nếu có thắng thì đi tù, thua thì đi bệnh viện” nên đã dừng lại. Sẵn có đam mê múa lân - sư - rồng, Lộc muốn lập nhóm múa tập hợp những người bạn đồng cảnh, chỉ lo trong tay không có vốn liếng gì cả. Lộc thổ lộ ước muốn này tới các bạn đoàn viên thanh niên phường 14 và được động viên “cứ làm đi, có gì mọi người cùng giúp”. Năm 2012, nhóm lân - sư - rồng Long Việt ra đời, Lộc làm trưởng nhóm. Nhóm gồm hơn 20 con người không nghề nghiệp, không trình độ, chưa biết cả động tác cơ bản, chưa biết các bộ pháp của múa lân - sư - rồng, không tiền bạc, chỉ có duy nhất tuổi trẻ và mong muốn thay đổi - không sống như trước nữa.
Trước mong muốn của các bạn trẻ, Đoàn thanh niên, UBND phường 14 và UBND quận 8 cùng hỗ trợ nhóm 2 con lân, một số bộ quần áo và phụ kiện để tập múa. UBND phường còn hỗ trợ nhóm một căn phòng trong trụ sở Điểm sinh hoạt trẻ khuyết tật quận 8 để chứa đồ nghề biểu diễn và bố trí chỗ tập trước sân phường. Một đoàn lân - sư - rồng ở Singapore có dịp đi qua đã tặng nhóm thêm 2 con lân và ít phục trang biểu diễn.
Tham gia nhóm múa lân ngay từ những ngày đầu, Trương Trung Tính (22 tuổi, ngụ phường 14) nhớ lại, hồi 12-13 tuổi, Tính quậy phá đêm ngày, ẩu đả hết nhóm này tới nhóm kia và bị công an phường gọi lên liên tục, xếp vào diện sẽ đưa đi giáo dục ở trường giáo dưỡng. Được Lộc rủ tham gia nhóm múa, Tính tập luyện chăm chỉ, sân tập ngay trước trụ sở UBND phường và công an phường, các anh công an ra vô gặp Tính hăng say luyện tập, không tụ tập quậy phá như trước, liền đưa Tính ra khỏi danh sách đi giáo dục. Nhiều bạn trẻ khác, trước là nỗi ác mộng của bà con địa phương và sống bằng việc bán giấy dò vé số, có nguy cơ sa ngã bất cứ lúc nào như Võ Minh Trung (16 tuổi), Dương Quang Phúc (17 tuổi)… nay nói chuyện đã biết “thưa, dạ”, cùng biểu diễn đoạt giải A trong Liên hoan múa lân - sư - rồng các nhà thiếu nhi TPHCM.
Khát khao thay đổi
Sau thành công tại liên hoan, đầu năm 2019, các bạn Võ Minh Trung, Dương Quang Phúc còn được mời sang Singapore giao lưu, biểu diễn. Nhưng do cả hai chỉ có giấy khai sinh, chưa có hộ khẩu, chưa làm được chứng minh nhân dân nên không thể làm được hộ chiếu để xuất ngoại. Vì hoàn cảnh riêng, đến nay trong nhóm vẫn còn hơn 10 thanh thiếu niên chưa có giấy tờ tùy thân. “Đó là một trong các trở ngại đang khó tháo gỡ cho các em hiện nay. Các em sinh ra có khi mẹ bỏ đi, hoặc ngay cả bản thân mẹ khi đến phường 14 cư trú cũng không có giấy tờ gì. Người mẹ không có giấy tờ, khi sinh con ra thì UBND phường chỉ có thể làm giấy khai sinh cho con lớn lên đi học, còn không có hộ khẩu, dẫn tới không làm được chứng minh nhân dân, rốt cục cũng không làm được hộ chiếu”, Chủ tịch UBND phường 14 Tế Ngọc Đức trăn trở.
Có thành công bước đầu trong nghề múa lân, song các em chia sẻ, mục đích của đoàn lân - sư - rồng Long Việt không phải để các em có thể sống bằng nghề. Một đoàn múa không chuyên nghiệp rất khó cạnh tranh để tìm sô diễn, đủ tiền trả lương nuôi quân hàng tháng. Số tiền thưởng thu được qua các lần biểu diễn, sau khi trả công cho các bạn thì phần lớn được tất cả thống nhất dành để tái đầu tư trang phục, phụ kiện, mua lân thay thế với số tiền khoảng 100 triệu đồng/năm. Lục Minh Lộc cắt nghĩa: “Nhóm múa, sân tập, sân biểu diễn là nơi anh em cùng cảnh ngộ gặp nhau, cùng chia sẻ khó khăn và nâng đỡ nhau tiến bộ. Mọi người nhìn thấy chúng tôi chăm chỉ luyện tập, biểu diễn thuần thục đã vỗ tay hoan nghênh rất nhiều. Thay vì xa lánh, mọi người còn hỗ trợ chúng tôi và tuyển chúng tôi vào làm việc và nhiều người đã có công việc phù hợp với mình”. Thay cho bước chân vào trường giáo dưỡng, qua tập luyện cùng đoàn múa lân nhiều năm, Trương Trung Tính đã nhận được sự tin tưởng, lần lượt trở thành nhân viên của một tiệm phở bên quận 7, rồi nhân viên bốc xếp ở Bến xe Chợ Lớn với thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/đêm, có điều kiện phụ mẹ nuôi 7 em ăn học. Võ Minh Trung cũng trở thành nhân viên bán hàng cho một cửa hàng bên quận 5, có thu nhập chính đáng phụ dì ruột nuôi con bệnh nặng. Lưu Minh Lộc ngoài việc xoay xở duy trì nhóm múa, còn là người giữ xe cho UBND phường 14 và luôn nhiệt thành viết đơn thư miễn phí giúp bà con khu phố nghèo.
Nếu thông minh là tư chất bẩm sinh, thì lương thiện là một phẩm chất của sự lựa chọn. Nhiều khi, lựa chọn sự lương thiện cũng không dễ dàng, bởi nhiều cám dỗ vây quanh. Chủ tịch UBND phường 14 Tế Ngọc Đức nhận xét, có điều hay là các em nhận biết mình trước sau cũng hư hỏng nếu đi theo con đường cũ, nên đã tự tách ra, tự xây dựng lối sống mới cho mình bằng cách lập đội lân. Tự nghĩ, tự làm, xuất phát từ đam mê, khát khao thay đổi mà ra đội hình, mà muốn duy trì đội hình thì phải có tiền. Con lân sau một mùa múa đã hỏng, cần thay mới nên phải biểu diễn mới có tiền. Cái hay nữa của các em là không phải múa để chia tiền với nhau, mà dành phần lớn tiền để tái đầu tư, nuôi đam mê. Từ đam mê lành mạnh, từ khát khao thay đổi, các em đã dành được thiện cảm và có được công ăn việc làm lương thiện. Ai làm việc đó, tối về tập múa và khi có sô thì kéo nhau đi biểu diễn.
“Nhiều mô hình, nhiều nhóm hợp tan liên tục, còn các em, không hô hào, không “đao to, búa lớn” mà chỉ suy nghĩ đơn giản, làm đơn giản, nhưng đã duy trì nhóm được 7 năm rồi và ngày càng phát triển đúng hướng mong muốn. Giá trị ở chỗ đó!”, ông Tế Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường 14, khen ngợi. |