Lựa chọn thời trang nhanh hay bền vững?

Lối sống xanh, thân thiện với môi trường đang ngày càng phổ biến trong đời sống của giới trẻ. Chỉ riêng ở lĩnh vực thời trang, việc lựa chọn thời trang nhanh, hay thời trang bền vững đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.     

“Chúng ta không thể phủ nhận sức hấp dẫn của thời trang nhanh khi các thương hiệu cho ra đời mẫu mã liên tục với mức giá rất rẻ. Lời mời gọi từ các chiến dịch quảng cáo, sự phát triển của thương mại điện tử, mạng xã hội càng góp phần thúc đẩy tâm lý “cả thèm chóng chán” và khiến người dùng khó cưỡng lại mong muốn được sở hữu những món đồ lung linh đẹp đẽ”.

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Hoàng Phương, người sáng lập, CEO của Piktina - ứng dụng công nghệ dành riêng cho việc mua bán trao đổi các sản phẩm thời trang secondhand (đồ đã qua sử dụng) tại Việt Nam.  

Khái niệm thời trang nhanh (fast fashion) đang rất phổ biến trong đời sống giới trẻ. Trong “cơn bão” thời trang hiện nay, việc mua không kịp suy nghĩ, trở tay vì những quảng cáo bắt mắt và các chiến dịch giảm giá rầm rộ vốn không còn xa lạ. Minh Thảo (ngụ quận 3, TPHCM) vui vì ngày 10-10 vừa qua, đã mua được rất nhiều món đồ với giá hời trên các trang thương mại điện tử. “Tôi luôn chờ đợi đến các ngày sale (giảm giá) định kỳ để mua cho thỏa thích. Mỗi lần như thế có khi tôi chọn được cho mình đến vài chục món đồ khác nhau, mức giá có khi giảm đến 50%-70% so với thực tế”, cô chia sẻ.   

Chạy theo số lượng thay vì chất lượng như trường hợp của Minh Thảo không quá xa lạ với giới trẻ hiện nay. Nhiều nhãn hàng đã đánh trúng tâm lý đó, liên tục sản xuất, tung ra sản phẩm mới trong thời gian rất ngắn. Không ít người lý giải thời trang do con người sáng tạo và mục đích cuối cùng để phục vụ chính chúng ta. Thói quen mua đồ kiểu này rất dễ… gây nghiện và đang tạo ra “vòng lặp” là những cuộc săn sale không hồi kết.

Hệ quả với cá nhân là những món đồ mới thậm chí bị bỏ lãng phí. Nhìn rộng ra, thời trang nhanh là lý do chính dẫn đến việc sản xuất dư thừa, tiêu thụ quá mức tài nguyên và là tác nhân khiến thời trang trở thành ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới.  

Hiện có 3 cách tiếp cận chính của thời trang bền vững: Reduce (giảm sản xuất, tiêu thụ, sử dụng tài nguyên); Reuse (tái sử dụng, kéo dài vòng đời sản phẩm); và Recycle (sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất mới hay chỉ sử dụng các nguyên liệu có thể tái chế được khi sản xuất).

“Gần đây, người ta mới nói nhiều và bắt đầu tìm hiểu về Reuse, là việc đồ secondhand được mua, bán, trao đổi, tái sáng tạo thành những kiểu dáng thời thượng mới mẻ. Ở góc độ tiêu dùng, chúng tôi cho rằng, các cách thức Reuse có lẽ là thiết thực hơn cả, đơn giản bởi vì nó dễ thực hiện và ít tốn chi phí nhất”, chị Hoàng Phương chia sẻ.   

Cũng vì lý do đó, nhiều ứng dụng mua bán đồ secondhand từ cao cấp đến bình dân đã ra đời. Có thể kể đến Passii với lời ngỏ “sẽ thật tuyệt nếu như có một tủ đồ mà ở đó các lựa chọn là vô hạn, nhưng vẫn bảo tồn được các nguồn tài nguyên hữu hạn quý giá”. Ở phân cấp hàng hiệu có JOOLUX (Journey of Luxury) - sàn giao dịch hàng hiệu đã qua sử dụng thông qua dịch vụ ký gửi, trao đổi, mua bán sản phẩm. 

Tin cùng chuyên mục