Luẩn quẩn nợ xấu

Chưa có lối ra
Luẩn quẩn nợ xấu

Đến thời điểm hiện nay, mặc dù chưa có con số cập nhật chính thức về nợ xấu nhưng số liệu trong những tháng đầu năm 2015 từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng khá nhiều so với cuối năm 2014. Đáng lưu ý là thời gian qua, các cơ quan chức năng và các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích cực xử lý nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, điều lo ngại nhất là vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết đầu ra triệt để cho các khoản nợ xấu.

Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu 2 tháng đầu 2015 là 3,59%, cao hơn tháng 1 ở mức 3,49% và cao hơn khá nhiều so với cuối năm 2014 là 3,25%. Báo cáo với Quốc hội trong phiên chất vấn vào giữa tháng 5, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, dù nợ xấu có tăng nhưng vẫn không nằm ngoài dự tính của NHNN; đồng thời Thống đốc lý giải rằng, diễn biến này mang tính quy luật vì nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm nhưng những tháng cuối năm sẽ giảm do tích cực xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trở lại là vấn đề rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã tập trung xử lý nợ xấu bằng nhiều hình thức, trong đó các ngân hàng đã bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hàng ngàn tỷ đồng, nhưng nợ xấu vẫn tăng.

Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho biết, 4 tháng đầu năm nợ xấu là 60.883 tỷ đồng, tăng từ 5,31% vào cuối năm 2014 lên 5,53%. Trong đó, đáng lưu ý là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu. Mặc dù NHNN TP giải thích rằng, nợ xấu tăng mạnh chủ yếu ở các định chế tài chính phi ngân hàng, nếu tính 12 ngân hàng thương mại (NHTM) có trụ sở trên địa bàn TP thì tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,45% tổng dư nợ. Tuy nhiên, lãnh đạo của cơ quan này cũng cho biết nợ xấu tại các ngân hàng tăng vì nợ xấu tiếp tục phát sinh, mặc dù trong năm 2014 trên địa bàn TP đã xử lý được hơn gần 52.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 3 tháng đầu năm xử lý hơn 6.100 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất trong quý 1-2015 của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu tăng nên lợi nhuận của ngân hàng tiếp tục bị ăn mòn vì phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank trong quý 1-2015 tăng 2,97% (so với mức 2,3% vào cuối 2014), trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 1,44% tổng dư nợ (lên đến 4.769,71 tỷ đồng). Vì thế, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này cũng tăng từ 7.043 tỷ đồng đầu năm lên đến gần 8.292 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.456 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ 2014.

Lợi nhuận Ngân hàng Phương Đông (OCB) trong quý 1-2015 giảm 55% so cùng kỳ do trích lập dự phòng rủi ro tăng gấp 4 lần. Ảnh: HUY ANH

Tại BIDV, mặc dù lợi nhuận trước thuế đạt 2.273 tỷ đồng, tăng trưởng 16,6% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng tỷ lệ nợ xấu cũng tăng 2,23% (so với mức 2,03% vào cuối 2014), lên tới 10.384 tỷ đồng. Vì thế, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của BIDV cũng tăng mạnh từ 6.623 tỷ đồng đầu năm lên gần 7.600 tỷ đồng. Tương tự, VietinBank đạt lợi nhuận gần 1.600 tỷ đồng, nhưng nợ xấu lại tăng mạnh từ 0,9% vào cuối năm 2014 lên 1,5%, tức là từ hơn 4.800 tỷ đồng lên 8.085 tỷ đồng. VietinBank phải tăng trích lập dự phòng rủi ro từ 4.346 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên gần 5.796 tỷ đồng. OCB trong quý 1-2015 có tổng lợi nhuận trước thuế chỉ còn lại 16,3 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2014 vì phải trích lập chi phí dự phòng đến 88 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Sacombank cũng có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng là 1.143 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng sau khi trích lập 331 tỷ đồng dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của Sacombank trong quý 1 chỉ còn lại 811 tỷ đồng.

Chưa có lối ra

Trong bối cảnh nợ xấu tăng trở lại, nhiều ý kiến quan ngại mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay của ngành ngân hàng khó khả thi. Bởi lẽ, một trong những giải pháp xử lý nợ xấu là phát mãi tài sản thế chấp, vì nợ xấu của ngân hàng đa số nằm ở các bất động sản thế chấp, nhưng các ngân hàng cho biết việc phát mãi tài sản là vấn đề  “đau đầu” nhất trong quá trình xử lý nợ xấu, do quy trình, thủ tục tốn nhiều thời gian, mất vài năm để giải quyết một hồ sơ. Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc ACB, cho biết, nợ xấu của ngân hàng đến cuối tháng 4-2015 cũng tăng lên 2,3% so với mức 2,09% vào cuối tháng 3 và 2,18% cuối năm 2014. Theo ông Phát, hiện ACB xử lý nợ xấu dưới 3 hình thức nhưng ngoài việc dự kiến bán cho VAMC 1.000 tỷ đồng trong năm nay thì ACB chủ yếu đàm phán với khách hàng để thu hồi nợ, chứ việc phát mãi tài sản thế chấp rất khó khăn.

Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cũng khẳng định ngành ngân hàng TP sẽ xử lý nợ xấu và đưa về dưới mức 3% vào cuối năm 2015. Hiện các ngân hàng đang tích cực thực hiện bán nợ cho  VAMC theo quy định của Thống đốc NHNN là đến ngày 30-6 các thành viên phải bán được tối thiểu 75% số lượng chỉ tiêu được giao và đến 30-9 phải bán hết 100%. Ngoài ra, sự  phục hồi của các thị trường, nhất là thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngân hàng hoàn thành mục tiêu này. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, lượng nợ xấu VAMC mua lại từ các ngân hàng hiện rất lớn và dự kiến đến cuối năm 2015 đạt trên 200.000 tỷ đồng, nhưng đầu ra của nợ xấu vẫn là “ẩn số” chưa có lời giải. Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, việc bán nợ xấu cho VAMC chỉ là làm sạch con số nợ xấu trong bản cân đối tài chính của các ngân hàng nhưng thực tế nợ xấu vẫn còn đó vì VAMC hiện vẫn chưa xử lý được số nợ xấu sau khi mua. “Thực chất nợ xấu chỉ chuyển từ hố chôn lấp này sang hố chôn lấp khác”- ông Nghĩa nói. TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, việc đốc thúc các NHTM đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC cũng chỉ mới gom nợ xấu về một mối nhưng vẫn chưa giải quyết được đầu ra. Theo TS Trần Du Lịch, chính thủ tục phát mãi tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, tựa như tình trạng “kẹt xe” đã khiến cho các “xe” chở nợ xấu của VAMC phải đứng lại bên lề đường, do vậy tình trạng “kẹt xe” ngày càng tăng, dẫn đến khó khăn cho nền kinh tế khi dòng vốn tín dụng ùn ứ không lưu thông được.

Về quan điểm kỳ vọng vào thị trường bất động sản ấm lên để có thể xử lý nhanh hơn nợ xấu, theo TS Trần Du Lịch, kỳ vọng này rất mong manh, vì thực tế thị trường bất động sản hiện nay chỉ có mỗi phân khúc căn hộ nhà giá thấp là bán chạy, nên kỳ vọng toàn thị trường được sớm khôi phục là điều rất khó. “Một trong những giải pháp đẩy mạnh việc xử lý nợ, đó là phải tháo gỡ vướng mắc cho khâu phát mãi tài sản đảm bảo. Đây mới là mấu chốt cho việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Và để “gỡ” cho khâu này thì cần có sự chung tay của các cơ quan ban ngành” - TS Trần Du Lịch cho hay.

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục