Hôm qua 2-11, Quốc hội đã nghe các báo cáo xung quanh dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Nếu được thông qua, luật này sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định BHTG hiện hành. Trao đổi với PV Báo SGGP bên hành lang Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm (ảnh) nhìn nhận:
° Có nhiều ý kiến băn khoăn về việc không BHTG đối với đô la, kim loại quý, liệu điều này có tác dụng ngược lại khi tạo ra lượng đô la, kim loại quý trôi nổi bên ngoài, gây ra tình trạng đô la hóa, khó kiểm soát? Theo tôi, dự luật BHTG đưa ra là nhằm đón trước tình hình. Kinh nghiệm ở các nước, họ cũng không bảo hiểm với tiền gửi bằng ngoại tệ. Nếu người dân gửi ngoại tệ thì phải đổi ra đồng nội tệ và khi rút ra cũng vậy. Tất nhiên, nếu chống được tình trạng đô la hóa thì chúng ta mới có thể thực hiện được quy định này. Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi cũng cần được giải thích rõ và có lộ trình để người dân không cảm thấy bị thiệt hại khi tham gia.
Với kim loại vàng cũng vậy. Nếu thực hiện được như quy định trên thì phải ổn định thị trường vàng và thị trường này phải rõ ràng, minh bạch. Nếu chúng ta vẫn thừa nhận người dân có tài khoản vàng, ngoại tệ mà không được bảo hiểm, không bảo vệ quyền lợi cho họ thì không hợp lý khi bắt họ phải chịu rủi ro trong lúc họ làm đúng pháp luật là gửi vào các tổ chức tín dụng.
° PV: Liên quan đến việc không BHTG đối với tiền gửi của các tổ chức, một số ý kiến cho rằng không hợp lý. Quan điểm của ông thế nào?
° Ông CAO SỸ KIÊM: Chúng ta chỉ bảo vệ những cá nhân, người dân khi họ không có thông tin về tổ chức tín dụng, bởi đây là đối tượng chịu nhiều rủi ro. Với doanh nghiệp, họ không thể lấy tiền quỹ để gửi tiết kiệm được. Anh có tài khoản thì anh phải gửi có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn đứng tên tổ chức đó, không thể lấy tiền tổ chức để gửi tên cá nhân lấy lãi, hành vi này vi phạm pháp luật.
° Có phải việc ban hành Luật BHTG là “dọn đường” trong việc xử lý hậu quả của rủi ro?
° BHTG là để đảm bảo công bằng cho các ngân hàng. Khi ngân hàng đã huy động tiền gửi trong dân cư thì phải BHTG, để khi tổ chức tín dụng đó nếu bị rủi ro thì tổ chức BHTG đứng ra trang trải, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền cho ngân hàng. Việc tham gia BHTG mang tính bắt buộc là đúng.
° Từng là Thống đốc Ngân hàng, xin ông cho biết, nếu một ngân hàng phá sản thì các bước xử lý sẽ ra sao?
° Dấu hiệu của một ngân hàng sắp phá sản là mất khả năng thanh toán, lỗ kéo dài triền miên, nợ xấu, nợ quá hạn tăng nhiều và không có khả năng khắc phục thì phải phá sản. Khi phá sản cũng có rất nhiều thủ tục phải đăng ký và giải quyết quyền lợi theo thứ tự, trình tự của Luật Phá sản.
° Theo các chuyên gia, hiện nay số lượng ngân hàng ở Việt Nam là lớn, trong đó có nhiều ngân hàng nhỏ khó có khả năng tồn tại. Vậy trong trường hợp, có nhiều ngân hàng phá sản, liệu BHTG có đủ khả năng để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền không, thưa ông?
° Tôi nghĩ là có khả năng, bởi vì nguồn thu từ các tổ chức tham gia BHTG cũng rất lớn. Ở Việt Nam, nếu ngân hàng phá sản cũng không nhiều so với số lượng các ngân hàng tham gia BHTG. Nếu ngược lại, Nhà nước sẽ viện trợ.
° Theo ông số tiền nhàn rỗi của quỹ BHTG sẽ được sử dụng như thế nào cho hợp lý?
° Trước đây, BHTG được dùng tiền nhàn rỗi gửi các ngân hàng thương mại để lấy lãi. Tuy nhiên, theo dự luật mới, để tránh rủi ro hao tổn quỹ BHTG, gây tác động xấu đến hiệu quả của hệ thống BHTG, dự luật đã cho phép tổ chức BHTG được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước. Đây là điều hợp lý.
° Xin cảm ơn ông.
HÀ MY
| |