Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton
(SGGP). – Ngày 18-7, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đang có chuyến thăm Việt Nam. Ông Clinton tới Việt Nam lần này nhằm thúc đẩy hoạt động của Quỹ Clinton về chăm sóc, điều trị HIV do gia đình Clinton sáng lập nhằm giúp chăm sóc, điều trị cho người có HIV trên thế giới. Hoạt động từ năm 2006, Quỹ Clinton đã hỗ trợ và vận động các nhà tài trợ khác hỗ trợ cho Việt Nam trên 40 triệu USD.
Bày tỏ niềm vui được gặp lại cựu Tổng thống Bill Clinton, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự đóng góp cho quan hệ ngoại giao hai nước của cựu Tổng thống và phu nhân khi còn đương nhiệm, và tiếp tục có sự giúp đỡ với đất nước và người dân Việt Nam hiện nay với các hoạt động từ thiện qua Quỹ Clinton. Khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện hết sức đầy đủ những nội dung thỏa thuận trong các cuộc gặp cấp cao, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn được đón tiếp Tổng thống Obama sớm sang thăm Việt Nam.
Chủ tịch nước hoan nghênh Thượng viện Hoa Kỳ đã ra Nghị quyết về biển Đông phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981, thiết lập lại nguyên trạng biển Đông; đồng thời cảm ơn, Chính phủ, Quốc hội, các vị chính khách, các học giả và dư luận Mỹ có thái độ mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam đấu tranh với việc Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cựu Tổng thống Bill Clinton cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ cần phải tích cực hợp tác với nhau để giải quyết những tồn đọng, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước. Về những diễn biến trong khu vực, cựu Tổng thống Bill Clinton nêu rõ, quan điểm của Hoa Kỳ là mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác, ủng hộ hòa bình ổn định, phát triển thịnh vượng cho các quốc gia. Tất cả các nước trong khu vực đều phải hợp tác với nhau; tránh tình trạng một nước lớn có thể ức hiếp các nước trong khu vực.
Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp cựu Tổng thống Bill Clinton. Thủ tướng hoan nghênh cựu Tổng thống Bill Clinton trở lại thăm Việt Nam, đồng thời cảm ơn và đánh giá cao tình cảm và những hoạt động nhân đạo, thiết thực của Quỹ Clinton và cá nhân ông Clinton đối với nhân dân Việt Nam.
Thăm Việt Nam vào thời điểm tròn 20 năm Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam và hai bên đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm (1995 - 2015) bình thường hóa quan hệ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao ông Clinton khi còn trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ đã ủng hộ và có những quyết định mạnh mẽ để bình thường hóa quan hệ hai nước. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn mong muốn cùng với Hoa Kỳ đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, thực sự là đối tác hợp tác toàn diện của nhau như lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận. Thủ tướng mong muốn ông Bill Clinton và phu nhân - bà Hillary Clinton với tình cảm và uy tín của mình sẽ tiếp tục ủng hộ và đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, vì lợi ích chính đáng của cả hai bên.
Cựu Tổng thống Bill Clinton bày tỏ cá nhân ông đã và sẽ luôn ủng hộ mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Ông Bill Clinton khẳng định rằng có rất ít những vấn đề mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Hoa Kỳ nhất trí được với nhau, nhưng điều đặc biệt mà cả hai đảng có sự thống nhất, đó là Hoa Kỳ muốn là bạn của Việt Nam.
Chia sẻ về tình hình gần đây trong khu vực liên quan đến những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền các quốc gia, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực và trên biển Đông, gây lo ngại và phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế, cựu Tổng thống Bill Clinton nêu rõ Chính phủ Hoa Kỳ, cá nhân ông cũng như phu nhân, bà Hillary Clinton, luôn ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế; phải bằng các cơ chế và giải pháp đa phương chứ không phải song phương.
Hoa Kỳ cũng đã tỏ rõ lập trường của mình qua các tuyên bố của Chính phủ và mới đây là Nghị quyết của Thượng viện yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ông Bill Clinton khẳng định, đây chính là quan điểm của Chính phủ và hai đảng của Hoa Kỳ nhằm đảm bảo rằng chủ quyền quốc gia của các nước phải được tôn trọng, luật pháp quốc tế phải được thực thi.
PHAN THẢO