Bình Thắng là một xã biển trù phú của huyện Bình Đại, một xã mà theo bí thư Hai Hiếu lúc bấy giờ có tới hàng trăm chiếc tàu đánh bắt xa bờ ra khơi, hay về neo đậu thành hàng dài trên con sông lớn dẫn từ cửa biển vào cặp ranh xã tới vành đai thị trấn.
Ngư dân Bình Thắng đều trở thành “đại gia”, lúc trúng mùa cá, mùa mực, ghe tàu từ biển khơi kéo về như trẩy hội, nhà nhà ăn mừng, thanh niên nam nữ chở nhau trên những chiếc @, Dylan… mới cáu đổ về các quán cà phê sân vườn quanh thị trấn “hát với nhau” trên sân khấu nhỏ, đèn chớp tắt, nhấp nháy như vũ trường trên thành phố với một dàn nhạc “xịn” có cả trống và đàn organ. Đây là xã điểm trong quá trình phát triển nông công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Người ta đã nghĩ tới việc xây dựng một cảng biển và nhà máy chế biến bao nhựa đựng tôm, cá sản phẩm hoàn toàn bao tiêu cho những con tàu đánh bắt xa bờ.
Nhưng khi chúng tôi tìm tới trụ sở xã gặp bí thư xã Hai Hiếu thì con đường đất đỏ dẫn từ trung tâm thị trấn huyện đặc quánh bùn sau cơn mưa dầm khiến mọi người đều bì bõm lội còn xe thì phải thuê máy cày kéo mới qua được con đường khổ ải tới trụ sở xã.
Hai Hiếu nhỏ con, áo bỏ thùng, chân mang dép, miệng mồm nhanh nhảu như tép nhảy. Trong lúc uống trà, Hai Hiếu bật đứng lên vói lấy cây ăng-ten tivi kéo roóc một cái chỉ vào tấm bản đồ khoanh vùng nuôi tôm công nghiệp thuộc xã quản lý thuyết trình:
- Đường vào khu nuôi tôm có hai cách, đường thủy thì qua đò ngang, chịu khó cuốc bộ nửa giờ thì tới, còn đường bộ xa tít dưới kia theo hướng đê Đông. Đây là đường nhựa trong tương lai cho xe hơi vô, mai mốt mấy ông vào thăm vuông tôm sướng như đi tham quan hội chợ. Còn chỗ này là khu đất dành cho mấy ông cải tạo thành vuông nuôi tôm, nó khoảng 10ha, bảo đảm ngon cơm vì gần nguồn nước biển còn hoang sơ chưa bị ô nhiễm, nuôi tôm cầm chắc trong tay một ao bình quân 5 tấn.
Hai Hiếu quay quay cây ăng-ten làm dấu khu đất xã ưu ái cho chúng tôi thuê mà bây giờ nó chỉ là những viền chì xanh đỏ. Tôi hỏi:
- Bao giờ đi coi đất được?
- Ngay bây giờ. Tôi đích thân hướng dẫn mấy ông đi.
***
Chúng tôi có 5 người, ngoài tôi, còn Đến, Dũng, Tân kinh doanh, Quý Việt kiều về nước tìm cơ hội làm ăn, thích kinh doanh mà đặc biệt thích nuôi tôm. Tôi được giao nhiệm vụ đi tìm đất, bốn người vừa nói dự tính chung vốn nuôi tôm, mà vốn nuôi tôm nghe đâu phải đến hàng tỷ. Lại cũng nghe nói nuôi tôm một vốn ba, bốn lời, chỉ cần trúng một vụ là lấy vốn, trúng hai vụ là lời, đất Bình Đại mỗi năm có thể làm hai vụ, mỗi vụ từ lúc thả nuôi tới thu hoạch là bốn tháng.
Chỉ bốn tháng thôi có thể trở thành tỷ phú, chúng tôi đã uống cà phê, bàn luận nhiều ngày, ôm ấp giấc mơ nuôi tôm ngời ngời tương lai như vậy và vì là người quê hương xứ sở, lại có chút “công trạng” trong công tác xã hội từ thiện của đất Bến Tre nên xã Bình Thắng đặc biệt ưu ái cho tôi làm “nhà đầu tư” nuôi tôm công nghiệp với giá thuê đất 7,5 triệu/ha năm, được thuê trong vòng 10 năm, trả trước cho dân 5 năm. Tôi thân với Hai Hiếu từ dạo đi tìm đất nuôi tôm và hôm nay là buổi hẹn đi thực địa.
Chiếc ghe chòng chành tấp vào chân cầu, chú nhóc đội chiếc nón kết màu xám cũ mèm, dính đầy dầu nhớt, ở trần, nước da đen bóng, nhe hàm răng có nhiều cái bị sâu cười lỏn lẻn ném cho Hai Hiếu sợi dây nói:
- Chú giữ chặt nghen, buông ra là nó chạy thụt lùi, mấy chú kia nhảy luôn xuống sông ráng chịu.
Hai Hiếu cầm sợi dây thừng giữ ghe, chúng tôi lần lượt phóng xuống rồi chia nhau ngồi hai bên thành ghe để giữ cho ghe thăng bằng. Cha đứa bé là người khắc khổ, đội chiếc nón lá rách, gió đánh những mảnh lá rách kêu phạch phạch, te te, một âm điệu buồn cười, ngộ nghĩnh. Gương mặt người đàn ông không buồn, không vui, đôi mắt sâu nhướng nhướng lên nhìn ra mặt sông rộng. Giờ này nước sông đang lên, có những con sóng đập ầm ào, sủi bọt trắng xóa.
Người đàn ông cất giọng ồ ồ hỏi:
- Qua bển rồi chừng nào về chú Hai?
- Một tiếng, ông chờ nghen.
- Coi chừng nước ròng ra vàm không được thì ngủ luôn bên ấp đó.
- Yên tâm đi ông già, tôi rành nước lớn nước ròng mà.
Tiếng máy nổ phành phạch, chiếc ghe quay mũi hướng ra ngã ba sông, nó lướt trên mặt nước ngầu đục phù sa. Hai Hiếu vói tay vớt một bụm nước vỗ vào miệng rồi phun ra nói:
- Chà nước mặn dữ, mùa này thả tôm được rồi.
Tôi cười hỏi:
- Ông có được bao nhiêu hécta nuôi tôm?
- Năm hécta thôi, gần đất mấy ông, nhưng cũng còn mênh mông bạt ngàn chưa cải tạo làm ao được. Mấy ông làm trước đi, tụi này theo sau.
Đến bông đùa:
- Cho tụi này dựa hơi bí thư nghen, lạ nước lạ cái, mấy cái vụ mướn Ko-be đào ao, nhân công dọn dẹp, phát hoang chắc phải nhờ anh Hai thôi.
- Yên chí, tụi tôi hỗ trợ mấy ông hết mình mà.
***
Từ mé kênh chúng tôi nhảy lên bờ nhờ một cây cầu khỉ rồi từ đó đi bộ theo con đường đất đỏ tới một xóm nhà thưa thớt. Hai Hiếu huơ tay một vòng chỉ những đám ruộng, vạt vườn bạt ngàn lau sậy và các loại cây hoang dại, có cả chà là từng bụi rậm, đầy gai nhọn. Hai Hiếu giải thích đất ở đây là đất ruộng, đất vườn, nước mặn và phèn nên trồng lúa không đủ sống, trồng vườn cũng không hiệu quả nên chủ trương của trên quy hoạch khu này thành khu nuôi tôm công nghiệp. Dân đưa đất vào khu nuôi tôm, xã quản lý, kêu gọi nhà đầu tư cải tạo làm ao nuôi, giá thuê đất của dân là thống nhất 7,5 triệu/ha năm, trả trước 5 năm, thuê trong vòng 10 năm, tiền đền bù, giải tỏa, hỗ trợ di dời giải quyết theo từng trường hợp và tất nhiên theo thỏa thuận do xã làm trung gian ký hợp đồng.
Đất chúng tôi được thuê là một khu hỗn tạp vừa đất ruộng, đất vườn, được cái giáp ranh nhau do những người bà con trong dòng họ làm chủ. Nhìn bao quát khu đất rộng khoảng 10ha gần như là hoang dại tôi không hình dung được mai này nó sẽ trở thành ao nuôi tôm công nghiệp là ra sao nhưng trong đoàn ai nấy đều phấn khởi bàn luận rất hăng say. Trước mắt tôi là một khoảng không gian trắng, bầu trời nhiều mây trắng cao vòi vọi, dưới chân là những thửa ruộng lâu nay bỏ hoang, đất khô nứt một màu trắng xóa kéo dài sát tận mí vườn dừa, sau đó là biển. Nguồn nước từ đó dẫn vào tràn ngập những ao tôm và cả một khu vực rộng lớn này sẽ là khu nuôi tôm công nghiệp của huyện.
Để tránh cái nắng gay gắt, Hai Hiếu dẫn chúng tôi vào nhà của Ba Nhuyễn, một chủ đất có ruộng và một khoảng vườn đưa vào khu quy hoạch nuôi tôm. Ba Nhuyễn người dong dỏng cao, hiền lành, nhưng rất cởi mở và hiếu khách. Biết chúng tôi là những người thuê đất nuôi tôm, Ba Nhuyễn gầy ngay một bàn nhậu với rượu đế và khô cá sặt nướng trộn xoài sống. Trong lúc khách khề khà bàn chuyện nuôi tôm rôm rả, cô con gái thứ sáu của Ba Nhuyễn tên Gần học lớp 11 trường huyện cùng đứa em trai đuổi bắt gà nấu cháo xé phay đãi khách. Gần có nước da trắng hồng khác hẳn với gái vùng quê xứ biển thường ngăm ngăm, dáng cao, tóc dài. Cô gái càng xinh xắn hơn trong chiếc áo bà ba màu hồng phấn xắn tay, quần đen cũng xắn tới gối chạy ào ào dí gà. Khi Gần túm hai chân con gà mái tơ kêu ao áo vì bị chổng ngược nhúng vào nồi nước sôi, gương mặt cô gái đỏ bừng lên vì hơi nóng, mấy giọt mồ hôi rịn ra chân tóc mai thì Đến mon men tới gần nói:
- Cô Sáu dám cắt cổ gà, không sợ sao?
- Mắc gì mà sợ, ở nhà em làm gà hoài, nếu nhà có đám giỗ một tay em cắt cổ cả chục con gà có sao đâu.
- Mai mốt đất ruộng đưa vô nuôi tôm, cô Sáu có buồn không?
- Không, làm ruộng cực quá, đưa vô nuôi tôm có một khoản tiền cha hứa mua cho em chiếc Wave Alpha đi học, khỏi phải đạp xe đạp nữa.
Khi cô Sáu nấu xong nồi cháo, dĩa gà xé phay được dọn lên, liền trở thành đề tài cho mấy gã đàn ông, thanh niên trêu chọc. Ba Nhuyễn được Dũng, Tân và Quý giành nhau kêu bằng ba, cứ tủm tỉm cười, và mỗi lần mắc cỡ Ba Nhuyễn lại rót thêm rượu đưa ly mời Quý khiến cả cánh thanh niên được dịp trêu chọc:
- A, biết rồi, Ba Nhuyễn muốn gã cô Sáu cho thằng Quý, khoái rể Việt kiều rồi.
Ba Nhuyễn uống rượu tỉnh khô, trong khi mọi người ngà ngà say. Cuối cuộc nhậu chúng tôi quyết định Tân sẽ là người ở lại tiến hành việc thuê người đưa máy Ko-be đào ao, Ba Nhuyễn sẽ là người trông coi nhân công phát hoang. Bản vẽ kỹ thuật khu nuôi tôm được Tân lật ra giữa bàn, mọi người chụm đầu vào tranh luận.
Hai Hiếu mặt đỏ phừng phừng tuyên bố:
- Mấy ông vẽ kiểu nào thì vẽ nhưng khu nuôi tôm phải theo một mẫu thiết kế chung, cái này tui rành sáu câu. Ngày mai kêu Ko-be vô làm theo bản vẽ của tui là chắc ăn.
***
Trong lúc mọi người tranh cãi về bản thiết kế của khu nuôi tôm, tôi thấy thèm một cơn gió đồng nội nên bước ra sân rồi theo con đường ruộng dẫn về cái chòi lá mới cất trên bờ ranh lớn. Hóa ra đây là quán nước của mấy chị em Gần dựng lên để bán nước giải khát, đồ tạp hóa cho cánh thợ Ko-be và công nhân phát hoang trong khu nuôi tôm công nghiệp mấy trăm hécta rộng lớn, mênh mông này. Tôi vào quán, thấy có một nhóm thợ quần áo dính đầy bùn đất đang ngồi uống nước ngọt, trà đá. Họ là người đang thi công một khu nuôi tôm lân cận, tôi nhìn về phía đó, giữa một màu đất trắng thênh thang tắm trong nắng xế chiều vàng ửng có bóng hai chiếc Ko-be màu đỏ đang đào đất, công nhân phát hoang lố nhố gần đấy.
Gần hỏi tôi:
- Chú không nhậu nữa sao?
- Say rồi, nhậu nữa hết về.
- Chú uống gì?
- Có dừa không?
- Có, nhưng cháu phải leo lên hái mới được.
Không biết Gần leo dừa ra sao, nhưng chỉ năm phút sau cô gái xách ra một quày dừa xiêm, rồi rất nhanh nhẹn, Gần dùng con dao chặt dừa, đổ nước ra ly, dùng muỗng nạo cơm dừa bỏ vào, thêm đá, muỗng đường cát trắng, vắt chanh.
- Chú uống nước dừa xiêm cháu pha kiểu miệt vườn về thành phố thì ghiền luôn.
- Chắc là nhờ có miếng chanh nên mùi vị đậm đà hơn?
Cô gái cười nhỏ, bây giờ tôi mới để ý thấy khi cười Gần có hai lúm đồng tiền chết người. Một chút Quý ra ngồi với tôi rồi hai đứa đi dọc theo bờ ranh đất nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn mà giới hạn ba phía là mí vườn dừa bên kia, con kênh bên tay trái và hàng cột rào bên tay phải của khu nuôi tôm sát ranh đất chúng tôi.
- Ngày mai tôi về bển một tuần sẽ trở qua, phải có nhiều tiền mới đầu tư cho khu nuôi tôm này được.
- Sao thấy nó mênh mông quá, chỉ một màu đất trắng.
- Nhưng vài tháng nữa nó là một vùng nước xanh, rồi hàng rào lưới, trụ điện, dàn máy bơm… chúng ta sẽ là những ông chủ, rồi thành đại gia tôm.
Quý cười rất sảng khoái, nhưng tôi không biết Quý cười trong niềm hưng phấn, tin tưởng hay cười vì say rượu. Còn tôi thì chỉ thấy một vùng đất mênh mông, trắng xóa bốc hơi nồng nồng và có vị mặn của muối trong gió biển thổi ào ạt qua cánh đồng.
***
Chiếc ghe của người đàn ông khắc khổ và đứa bé mình trần đen nhẻm đầu đội chiếc nón kết lật ngược vẫn đợi chúng tôi ở chân cầu khỉ. Con nước đang ròng, những đám lục bình lại trôi ngược theo con nước đổ ra ngã ba sông.
TỪ KẾ TƯỜNG