Lục chuột dừa

3 trong 1
Lục chuột dừa

Nếu là nông dân trồng dừa, ai cũng sẽ than trời trước nạn chuột đục khoét trái dừa. Ở hầu hết vườn dừa xưa nay, dừa chưa đến lứa thu hoạch, chuột đã cắn phá, trái rụng đầy vườn, thấy mà xót xa. Vậy là dân xứ dừa sinh ra nghề bắt chuột dừa, quen gọi là nghề lục chuột.

Bẫy lồng bắt chuột dừa. Ảnh: HOÀNG HÀ

Bẫy lồng bắt chuột dừa. Ảnh: HOÀNG HÀ

3 trong 1

Anh Nguyễn Văn Vui (Sáu Vui) là bộ đội phục viên. Năm 1985, khi trở lại quê nhà tại xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre, Sáu Vui sống với 3 công đất vườn dừa, nuôi vợ con. Đời sống khó khăn nên Sáu Vui đi bẻ dừa cho những chủ vườn dừa trong xóm ấp. Lần hồi, Sáu Vui trở thành thợ bẻ dừa mướn chuyên nghiệp hồi nào không hay. Một sáng, tôi và anh Tư Ri theo Sáu Vui đi bẻ dừa. Sáu Vui nói: “Đi coi giựt dừa, bẻ dừa chán chết. Cái chính mấy ông theo tôi là để xách chuột dừa về, trưa tụi mình lai rai…”.

Sáu Vui giắt chiếc câu liêm giựt dừa vào bên hông và tròng chiếc nài leo dừa vào đôi chân, thoăn thoát lao nhanh vào công việc của một thợ bẻ dừa. Sáu Vui leo lên cây dừa cao khoảng 18m, tiến sát tới những tàu dừa  xòe ra ngay trên đầu anh. Đầu tiên tôi thấy, Sáu Vui mở chiếc bao vải mang theo bên hông mình. “Đi bẻ dừa mà đem theo cái bao vải chi cho thêm chộn rộn?”, chúng tôi thắc mắc.

Từ dưới đất, anh Tư Ri ngóng nhìn lên cây dừa, nói: “Sáu Vui lên đó, làm một lúc đến ba việc chứ đâu phải bẻ dừa không thôi”. “Hai việc nữa là gì?”, tôi hỏi. Tư Ri tiếp lời: “Lục chuột và dọn dừa, 2 “yêu cầu” thêm mà các chủ vườn dừa luôn cần khi mướn người bẻ dừa”.

Lục chuột? Khi Sáu Vui vừa áp sát vào ngọn dừa, anh tìm ngay nơi lũ chuột làm ổ, tranh thủ tóm cổ chúng ngay. Còn khi bị lũ chuột phát hiện, chúng chạy tuôn xuống đất, người dưới đất sẽ rượt chuột mà đập, đó là nhiệm vụ hôm nay của anh Tư Ri. Tư Ri tặc lưỡi: “Nhưng để đập dính chuột, không dễ đâu nghe ông bạn - Tư Ri huơ huơ chiếc chà mo nang trên tay mình, giọng chắc nịch - Huơ trúng chuột, nhưng phải huơ hướng ngược từ dưới đất lên thì nó mới… bất tỉnh. Ngược lại, chúng dong mất tiêu…”.

Tôi thích thú với kinh nghiệm tóm chuột của Tư Ri, anh giải thích thêm: Sau khi bẻ dừa xong, người thợ bẻ dừa còn giúp chủ vườn dừa thêm khâu dọn sạch trên các ngọn dừa như tước bỏ những tàu lá dừa khô, mo nang để chủ làm chất đốt; cắt gọn nhen dừa để bẹ dừa dễ bung ra cho bông, kết trái. Không làm việc đó, cây dừa chậm cho trái, vườn dừa trở nên thâm u, không gian thiếu đi sự thoáng đạt.

Anh Sáu Vui tuột xuống từ một cây dừa, gạt dòng mồ hôi trên trán, đưa cho tôi xem mớ chuột anh vừa bắt, nói: “Con nào mở mắt, tức khi bắt nó vẫn còn sống, chủ vườn sẽ thưởng cho người lục chuột 10.000 đồng/con”. Chuột mẹ và chuột con anh vừa tóm được tổng cộng ở cây dừa này là…7 trự. Như vậy ngoài tiền công bẻ dừa, chỉ riêng cây dừa có chuột trú ngụ này, Sáu Vui được chủ cho thêm gần 70.000 đồng.

Tôi hỏi Sáu Vui: “Chuột bắt được chủ lấy hết hay đó thuộc phần của người lục chuột?”. Sáu Vui cười: “Giao hết cho chủ chớ. Tuy nhiên, xin lại ít con để chiều lai rai là chuyện nhỏ thôi”.

Chuột dừa quay nước dừa xiêm

Chuột dừa quay nước dừa xiêm

“Cây nhà lá vườn”

Nhưng công việc bẻ dừa ở Sáu Vui không diễn ra thường xuyên ngày này qua tháng nọ, thường thì anh nghỉ năm ba ngày mới có người kêu anh đi bẻ dừa. Sáu Vui khề khà: “Ở không làm gì nên chiều chiều cha con tôi đi đặt bẫy bắt chuột dừa trong vườn nhà để cải thiện buổi ăn. Chuột sống trong vườn dừa chỉ ăn dừa, mập ú nu, thịt chuột dừa ăn vừa ngon ngọt vừa dai hơn rất nhiều so chuột Đồng Tháp sống trên ruộng đồng. Mùa nước nổi, chuột Đồng Tháp…nổi loi ngoi. Đó cũng là một đặc sản nổi tiếng tại miền Tây”.

Trong nhà Sáu Vui có khoảng 10 cái lồng bẫy chuột. Chiều chiều, anh và người con trai bỏ vài miếng cơm dừa vào cái lồng bẫy rồi xỏ xâu vào cây sào dài khoảng 8m, đến cây dừa nghi có chuột trên đó, cha con liền gác chiếc lồng bẫy lên tàu dừa sát buồng dừa, chờ chuột ham mồi bò vô, bẫy sẽ sập xuống.

Sáu Vui nói: “Hồi xưa, ông bà ta dùng bẫy cò ke, bẫy ống tre để bắt chuột. Mặt hạn chế của hai loại bẫy nầy là chuột đó chết queo sau khi bẫy sập, bẫy làm chuột bể đầu hay ẹo xương sống, hoặc treo nó toòng teng. Còn bẫy lồng, sập cái, nó vẫn sống nhăn nhưng không thoát ra được”.

Chiều lại, Sáu Vui làm thịt chuột còn nhanh hơn làm gà, vịt. Trong tất bật để kịp đãi khách, Sáu Vui nói: “Củi đậu nấu đậu”. Thì ra Sáu Vui chuẩn bị quay chuột dừa với nước dừa xiêm trong vườn nhà. Sáu Vui không quay thịt chuột bằng bếp gas mà đốt lò, quay từ từ bằng lửa từ mo nang dừa. Lửa cháy phừng phừng trong gian bếp lợp lá, mùi thơm thịt chuột quay nước dừa bốc lên thơm ngào ngạt.

Sáu Vui sắp thịt chuột quay vào dĩa, để lên trên thêm lớp rau om rồi rắc đậu phộng vào. Còn nước chấm là chao tán nhuyễn với sả bầm. Sáu Vui khà khà: “Nhiều hôm nhà thiếu thức ăn, có món “cây nhà lá vườn” này kể ra cũng đỡ”.

Dừa ở Bến Tre bạt ngàn, trong màu xanh thăm thẳm, ẩn hiện vô số đàn chuột đang rình rập cắn phá trái dừa. Đó là chưa kể loài sóc. Sóc nhỏ như mèo con, kéo đi từng bầy, năng động, ẩn hiện nhanh như chớp. Những năm gần đây, bỗng sóc “tái sinh” rất nhiều. Những vườn cây ca cao trồng xen trong vườn dừa là nơi “rù quếnh” sóc đến cắn phá trái ca cao, trái rơi rụng tơi tả, nhà vườn kêu trời!

Hiện nay, nông dân có vườn dừa chỉ bẫy chuột, sóc bằng cách làm dân gian chớ chưa thấy có một biện pháp khoa học nào tỏ ra hữu hiệu…Đôi mắt Sáu Vui đăm chiêu: “Mà nghĩ cũng ngộ nghen, cây dừa nào có chuột bị sập bẫy một lần, lâu lắm sau mới bắt được chúng lần nữa. Chắc nhà họ chuột có “ám hiệu” báo động riêng”.

HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục