CÂU CHUYỆN CHỨNG KHOÁN

Lúc nào là thời cơ?

LÊ THÀNH CHƠN
Lúc nào là thời cơ?
Lúc nào là thời cơ? ảnh 1
Nhà đầu tư trẻ giao dịch cổ phiếu qua điện thoại tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tôi có nhiều người bạn trong giới văn nghệ sĩ chơi chứng khoán, họ chơi từ lâu lắm rồi và họ thật sự là những nhà đầu tư rất dễ thương, bởi cái “lớ ngớ” khi đụng phải vấn đề tính toán tài chính mà họ chưa bao giờ quen nổi. Tôi dùng chữ “chưa” là để nói rằng họ vẫn là những nhà đầu tư sắc sảo, dù trong cái sắc sảo có cái “lớ ngớ” của một nhà văn.

Tôi còn được biết, nhiều người có một triết lý nghe cũng vui tai, rằng “Nghèo thì hèn mà giàu càng hèn hơn”, rồi họ lên án thị trường chứng khoán rằng “kiếm tiền bằng cổ phiếu của chứng khoán thì đâu còn vô tư với văn chương, đâu còn cách mạng…”. Nghe đâu người nói thì cứ nói, mà nghe hay không là chuyện của người nghe. Thừa dịp thị trường xuống dốc, những nhà “triết lý” được dịp phê phán không thương tiếc… Khốn khổ lại có người nghe và sợ hãi … May thay, một số nhà văn lại có cách nghĩ độc lập như vốn có trong tư duy của họ… 

Tuần rồi, hai nhà văn ở Hà Nội gọi điện cho người viết bài này nói về nhận định của họ với thị trường chứng khoán ở Hà Nội và TPHCM hiện nay. Trước hết họ cho rằng, nhà văn cứ quanh quẩn bởi tư duy nghèo mới có tác phẩm hay là cách nghĩ của thái độ “gà què ăn quẩn cối xay”, xưa như lớp trầm tích ở Đồng Tháp Mười bên dưới lớp phù sa cổ hàng trăm ngàn năm nay vậy…

Có điều, làm giàu đâu có dễ, ai cũng muốn, nhưng để biến ước muốn thành tiền, có tài khoản của cá nhân ở ngân hàng một cách trong sạch, có người phải đánh vật với cuộc đời bằng hàng chục “keo” ướt đẫm mồ hôi và có cả máu. Có người khôn hơn, biết tính toán tìm con đường riêng, ngắn, để đến mục đích, trong đó có một con đường khá rộng là đi trên chiếc cầu để bắc ra sàn giao dịch …

Trở lại câu chuyện của hai nhà văn Hà Nội bàn về tính “phập phù” của thị trường hiện nay, nhà văn H cho rằng do trung tâm giao dịch TPHCM tiến hành khớp lệnh liên tục, kể từ phiên khớp lệnh đầu tiên cho tới nay thị trường không những không phục hồi mà còn tụt sâu hơn. Nhà văn Q. cho là, dấu hiệu của sự điều chỉnh tốt, không xấu như nhiều lời đồn đại, ông Q. nhận định trong giai đoạn hiện nay như là giờ chờ đợi cho phút nổ súng của một trận đánh lớn.

Cả hai đều có chung một ý tưởng rất hay, thị trường chứng khoán là thị trường tài chính bậc cao, là một thị trường đầu tư dài hạn, có tiền dư dả hãy bước vào, ăn xổi, theo cảm tính không chuyên nghiệp thế nào cũng gặp tai họa.

Tôi hỏi: “Vậy, theo quan điểm của nhà văn, lúc nào nên mua cổ phiếu mới?”. Anh Q. trả lời: “Có vốn lớn, ở thời điểm VN-Index trên dưới 900 bắt đầu mua từ từ, còn với người có vốn nhỏ cần phải bằng cảm giác nhạy bén, giống như mới đi học lái xe, thầy dạy ngắm đường bằng hàng nút áo trước ngực, nhưng có ai ngắm cái nút áo bao giờ đâu…

Người lái xe, lái rất chuẩn bởi cảm giác rất lạ, chỉ có ở giác quan rất đặc biệt của con người. Quả thật, cảm giác của mỗi người rất khác nhau, sự thăng hoa chỉ có ở những người biết kìm sự nóng vội, biết phát hiện và giỏi chớp thời cơ.

Lời tâm sự của hai nhà văn Hà Nội quả là cái mà chúng ta đang hướng tới. Ở đời không có cái gì, không có điều gì luôn xảy ra một chiều. Có lên, có xuống -có phải, có trái, có trên, có dưới là một quy luật của tự nhiên. Nhà văn sinh ra đâu chỉ có tư duy, viết, và ba hoa “tràng giang đại hải”, nhà văn còn phải ăn, mặc, phải chi tiêu cho gia đình. Và, nếu không dấn thân vào thị trường chứng khoán, nhà văn lấy đâu ra thực tế của cuộc sống phong phú cho những trang viết về thị trường của mình.

Ăn - Sống - Tư duy - Viết (làm việc) - Kiếm tiền. Rồi lại… - Ăn - Sống - Tư duy - Viết - Kiếm tiền… Đó là một chuỗi liên tục những thực tế của cuộc sống. Thị trường chứng khoán, chơi chứng khoán không hề có tội, nó là một kênh tuyệt vời, vấn đề là chơi như thế nào. Hai nhà văn ở Hà Nội giàu lên, viết hay hơn và họ rất giỏi khi nói đến chứng khoán và thị trường chứng khoán. “Thực tiễn bao giờ cũng là tiêu chuẩn của chân lý”.


 LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục