Bộ đội đặc công Rừng Sác là những người lính được đào tạo bài bản, có tài thao lược, bơi lội giỏi, võ nghệ cao cường, biết sử dụng các loại vũ khí, chuyên gia bậc thầy về các loại chất nổ, bộc phá. Không chỉ thế, ở họ còn hội tụ tính mưu trí, dũng cảm kiên cường…
Những chiến công vang dội
Kho bom Thành Tuy Hạ, nơi chứa vũ khí lớn nhất của Mỹ tại miền Nam. Để bảo vệ kho bom, địch bố trí 14 lớp hàng rào kẽm gai, chia 3 tuyến phòng thủ, mỗi tuyến đều có lô cốt, hào sâu, chướng ngại vật và 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn quân cụ (lính khuân vác), 1 trung đội cảnh sát và hơn 100 chó bécgiê ngày đêm canh gác cẩn mật. Thế nhưng, với tài “xuất quỷ nhập thần”, đêm 11-11-1972, bộ đội đặc công Rừng Sác do đồng chí Nguyễn Hữu Hòa chỉ huy cùng 3 chiến sĩ đặc công vượt hàng rào mang 16 khối thuốc nổ hẹn giờ vào gài làm nổ tung kho bom Thành Tuy Hạ, phá hủy hơn 10.000 tấn bom đạn và 33 nhà kho chứa bom CBU và đạn pháo 105 ly…
Sau tổn thất trên, địch tăng cường phòng thủ, chúng lập thêm nhiều hàng rào kẽm gai để bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, 5 chiến sĩ đặc công lại đột nhập bằng đường sông, đem theo 24 khối thuốc nổ hẹn giờ, ém quân đợi rạng sáng 13-12-1972 cho nổ tung kho bom Thành Tuy Hạ lần thứ hai, làm rung chuyển cả Sài Gòn, phá hủy hơn 100.000 tấn đạn pháo và toàn bộ sinh lực địch tại đây.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội đặc công Rừng Sác chủ động đánh vào nhà hàng Phước Thái (Long Thành), các chốt địch ở Gò Dầu (Long Thành), tiêu diệt các ấp chiến lược của địch ở ven sông Lòng Tàu, tấn công các chi khu Phú Hữu, Vũng Gấm ở Nhơn Trạch, Đồng Nai và các phân chi khu ở Phước Khánh…
Những cái chết hóa thành bất tử
Kể về những trận chiến đấu oanh liệt năm xưa, Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10, Trung đoàn 10 bộ đội đặc công Rừng Sác như thấy mình trẻ lại. Ông từng sống, chiến đấu suốt 10 năm tại Rừng Sác kể từ ngày thành lập Đoàn 10 đặc công Rừng Sác (15-4-1966) đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ông bảo, nếu Củ Chi là “căn cứ nổi” thì Rừng Sác, Cần Giờ là “căn cứ chìm” của cách mạng. Ngày ấy, bộ đội không chỉ đương đầu với mưa bom bão đạn mà còn phải thiếu lương thực, nước ngọt, thuốc men, vũ khí và đối đầu với đàn cá sấu, thậm chí cả cọp dữ... Dẫu vậy, ngay sát lưng địch vẫn tồn tại một căn cứ cách mạng luôn làm cho kẻ địch ăn không ngon ngủ không yên, dù chúng đã dội xuống đây 2 triệu tấn bom đạn, 4 triệu lít chất độc hóa học nhằm biến mảnh đất này thành vành đai trắng ngay sát Sài Gòn.
Bộ đội đặc công Rừng Sác đa số là những chàng trai lứa tuổi 18-20 hừng hực khí thế đánh giặc ngoại xâm. Thiếu tướng Trần Thành Lập nhớ rõ tên từng người, từng đồng chí: Nguyễn Hữu Hòa chỉ huy đánh thành Tuy Hạ, Trịnh Xuân Bảng đánh kho xăng Nhà Bè, Nguyễn Văn Nghĩa dũng cảm hy sinh trên sông Lòng Tàu… Nhớ nhất là 43 nữ bộ đội, trong đó chị Nguyễn Thị Dung và Nguyễn Kim Mến, y tá cõng thương binh chạy càn bị địch giết hại. Trước khi hy sinh, các chị vẫn ngẩng cao đầu: “Quân giải phóng không biết đầu hàng giặc…”. Nhắc đến những liệt sĩ nằm lại ở Rừng Sác, vị tướng già nghẹn ngào: “Để có được những chiến công vang dội, trong tổng số hơn 1.000 bộ đội thì có đến 860 đồng chí đã hy sinh, trong đó có 542 đồng chí đến nay vẫn chưa tìm thấy xác…”.
Do chiến trường xưa là vùng sình lầy, nước mặn, đa số xác đồng đội có thể đã làm mồi cho cọp dữ, cá sấu nên rất khó tìm. Năm 2008, UBND TPHCM đã giúp bộ đội Đoàn 10 Rừng Sác làm 542 vỏ mộ liệt sĩ có ghi rõ tên từng người để người thân tìm đến thăm viếng, các CCB Đoàn 10 đã làm lễ rước vong liệt sĩ để tri ân. Trước chiến công và sự hy sinh dũng cảm của bộ đội đặc công Rừng Sác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khen ngợi: “Chiến công của bộ đội đặc công Rừng Sác đã làm nức lòng nhân dân cả nước và xứng danh Bộ đội Cụ Hồ…”.
Minh Ngọc
| |