Lung linh Khúc Thủy

Khúc Thủy là một thôn thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội - nằm cách trung tâm thủ đô 15km, trên dòng sông Nhuệ.
Lung linh Khúc Thủy

Khúc Thủy là một thôn thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội - nằm cách trung tâm thủ đô 15km, trên dòng sông Nhuệ.

Khúc Thủy là mảnh đất hẹp nhưng mênh mông huyền thoại và dày đặc truyền thuyết. Qua suốt chiều dài lịch sử đất nước, các di tích, nhất là các ngôi chùa ven sông Nhuệ gắn liền với hưng thịnh nhiều triều đại vua chúa, quan quân, với đời sống văn hóa, tâm linh của cư dân một vùng sông nước. Quần thể thánh tích Khúc Thủy bao gồm nhiều đình, chùa, miếu... được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia từ ngày 25-3-1991.

Từ lịch sử truyền lại, Khúc Thủy là vùng đất tứ linh: long, ly, quy, phượng. Các nhà chùa nơi đây thường mang tên gọi gắn với nhiều sự kiện trong lịch sử phát triển của đất nước như: chùa Vua, chùa Linh Quang, chùa Phúc Đống, chùa Dân, chùa Bà Chúa Hến, chùa Thắng Nghiêm, chùa Trì Long, chùa Trì Bồng, chùa Liên Trì, Phật Quang Đại Tùng Lâm... thường được gọi theo tên địa danh chung là chùa Khúc Thủy.

Chùa Linh Quang còn được gọi là chùa Quan, bởi lẽ đây là nơi lễ bái của quan lại thời phong kiến. Nơi đây vua Đinh Tiên Hoàng còn cho dựng xây dinh - thành nơi đi lại, nghỉ ngơi của vua chúa. Theo truyền thuyết, trong một lần đi tuần thú, nhà vua dừng chân ở Khúc Thủy, gặp một cô thôn nữ làm nghề kéo hến trên sông Nhuệ.

Sắc đẹp trời ban cho cô thôn nữ cùng với sự ẻo lả uyển chuyển của nghề  kéo hến đã làm đắm say lòng vua, nên vua đã tuyển cô làm cung phi. Bước vào cuộc đời mới, cô hến nay là cung phi vẫn không ngừng góp công sức vào những việc làm đạo cao, đức trọng, nên vua cho xây chùa Bà Chúa Hến.

Tương truyền, sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La, ngài nhớ lại giấc mộng năm xưa có liên quan tới việc dời đô, để tạ ơn Phật, ngài cho khởi giá thuyền rồng từ sông Kim Ngưu qua sông Tô Lịch, xuôi dòng sông Nhuệ thẳng tới Hương Sơn lễ tạ Phật Hương Tích. Khi qua địa phận sông Nhuệ, ngài thấy ẩn hiện một ngôi cổ tự trang nghiêm, vua cho dừng thuyền vào lễ Phật.

Các thôn nữ đón khách dự lễ chùa. Ảnh: Nguyễn Đức Toại

Các thôn nữ đón khách dự lễ chùa. Ảnh: Nguyễn Đức Toại

Nơi vua dừng thuyền rồng được gọi là bến Rồng, nơi ngự giá nghỉ ngơi trước khi lễ Phật được gọi là dinh Vua. Để tưởng nhớ công đức của các vua, nhân dân thôn Khúc Thủy lập đình phụng thờ, gọi là đình Khúc Thủy.

Đình Khúc Thủy được xây dựng trang nghiêm, là nơi thờ phụng hai vị Đức Thánh Trần: Hưng Đạo Đại Vương và Linh Thông Hòa Thượng Đại Vương.

Năm 1947, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Hà Nội, lập đồn bót ngay trong chùa Linh Quang và thường xuyên càn quét bắn đại bác vào thôn, xã gây tổn thất lớn về người và tài sản. Các di tích chùa, đình, miếu... hư hỏng nhiều.

Năm 1948, lực lượng kháng chiến quyết tâm xây dựng căn cứ địa tại Khúc Thủy.

Từ năm 1949 đến năm 1954, căn cứ địa Khúc Thủy phát huy hiệu quả, đánh trả rất quyết liệt bọn thực dân Pháp nhưng quần thể di tích Khúc Thủy còn lại đều bị bắn phá, tan nát.

Hiện nay nhà chùa cùng nhân dân, tín đồ phật tử, chính quyền các cấp đã quy hoạch và xây dựng khu di tích như tu sửa ngôi Bảo Điện, Tổ Đường, vườn Lâm Tì Ni và đúc 100 pho tượng Phật..., và đưa một số hạng mục khác vào kế hoạch trùng tu.

Tháng 10-2010, nhân dịp từ TPHCM ra thủ đô Hà Nội dự lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi đã tìm về thôn Khúc Thủy để dự lễ chùa Thắng Nghiêm trong khung cảnh trang nghiêm, bầu trời cảnh Phật. Khách đến dự lễ được 10 cô thôn nữ xinh đẹp như con cháu Bà Chúa Hến đón tiếp chân tình dưới bóng 100 tượng Phật nối dài đường đi vào chùa.

Ở đây, chúng tôi gặp các bà đã góp tiền công đức xây dựng chùa, có bà Đặng Thị Hào xin cúng 185 triệu đồng để đúc pho tượng Đức Đại Phật Như Lai. Và kết thúc buổi lễ là bữa cơm chay 150 mâm cho khách tham quan, do con cháu Bà Chúa Hến tận tâm phục vụ.

Lễ hội chùa Thắng Nghiêm trang trọng thể hiện sắc màu lung linh của mảnh đất Khúc Thủy giàu truyền thống và di tích lịch sử

NGUYỄN ĐỨC TOẠI

Tin cùng chuyên mục