Thay thế xe 3, 4 bánh tự chế

Lúng túng trước giờ G

Dân thấp thỏm chờ!
Lúng túng trước giờ G

Chỉ còn 3 ngày nữa là đến thời hạn xe 3, 4 bánh tự chế hết thời hạn lưu hành theo quy định của UBND TPHCM (30-6). Thế nhưng, UBNDTP vẫn chưa chính thức ban hành đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế. Liệu UBNDTP có tiếp tục lùi thời hạn cấm hay bảo lưu quyết định cấm các loại xe trên lưu thông từ 1-7 tới?

Dân thấp thỏm chờ!

Lúng túng trước giờ G ảnh 1

Sau ngày 1-7, những xe ba gác tự chế này còn được lưu thông?

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng TPHCM đã không thể hoàn thành việc chuyển đổi các phương tiện tự chế 3, 4 bánh trước 30-6 theo kế hoạch. Các quận huyện vẫn đang loay hoay vì chưa có phương án nào thay thế, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các chủ xe 3, 4 bánh tự chế.

Còn các chủ xe thì đang bế tắc, không biết sẽ thế nào nếu như lệnh cấm xe 3-4 bánh tự chế được thực hiện vào 1-7. Đã 5 lần đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh được Sở GTCC trình UBNDTP (lần mới đây nhất là vào 20-5), nhưng dự thảo này vẫn còn bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp.

Điểm khác biệt lớn nhất của dự thảo đề án lần này so với đề án trình trước đó là kinh phí chi cho việc chuyển đổi đã giảm từ khoảng 612 tỷ đồng xuống dưới 80 tỷ đồng. Theo một thành viên Ban xây dựng đề án, với số tiền khoảng 80 tỷ đồng, TP chỉ có thể hỗ trợ một phần lãi suất vay cho người phải chuyển đổi phương tiện. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao những người mưu sinh bằng xe 3, 4 bánh tự chế có thể vay tín dụng cả trăm triệu đồng để chuyển đổi phương tiện trong khi các ngân hàng thời điểm này đang siết chặt việc cho vay và nhất là lãi suất vay đang tăng cao trong khi việc hỗ trợ lãi vay cho các đối tượng này chỉ giới hạn trong mức 4%-6%/năm.

Anh Cao Tuấn Long, chạy xe ba gác chở vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt cho biết, từ lúc phường xuống thông báo chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe hoặc hỗ trợ đi học nghề cách đây mấy tháng cho đến nay, anh vẫn chưa nhận được thông tin nào khả quan hơn trong khi thời điểm cấm xe đã cận kề.

Hỏi thì cán bộ phường chỉ biết lắc đầu bảo “chờ thành phố có chính sách”. “Chính sách hỗ trợ chưa có, mà nếu có, chúng tôi cũng không thể chuyển đổi phương tiện kịp. Chỉ còn vài ngày nữa là đến lệnh cấm lưu thông, chúng tôi không biết sẽ mưu sinh thế nào sau ngày 1-7, chẳng lẽ cứ chạy lụi?”- anh Long lo lắng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là khoảng 3.000 xe 3 bánh vận chuyển rác dân lập nằm trong diện này sẽ như thế nào khi chưa thể thay thế? Nếu các xe này phải ngưng hoạt động, hàng ngàn tấn rác từ nhà dân chuyển đến các điểm trung chuyển mỗi ngày sẽ được vận chuyển bằng cách nào?

Tiếp tục lùi thời hạn cấm?

Theo thống kê, tại TPHCM có 21.053 xe tự chế các loại. Xe tự chế được chia thành 4 nhóm gồm: xe 3, 4 bánh của người tàn tật (386 xe); xe tự chế đang hoạt động thu gom rác (2.938 xe); xe cơ giới 3 bánh có đăng ký biển số nhưng không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (2.272 xe) và số còn lại là các phương tiện tự chế không có biển số đăng ký.

Trong dự thảo đề án mới nhất, cơ chế hỗ trợ đối với 15.457/21.053 xe tự chế không có đăng ký, đăng kiểm đã bị gạt bỏ. Một thành viên trong ban xây dựng đề án cũng thừa nhận với số tiền 80 tỷ đồng thì khó mà giải quyết được căn cơ việc chuyển đổi xe tự chế cho tất cả. Thành viên này còn cho biết, UBND các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện đề án chuyển đổi các loại xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn do mình phụ trách. Các sở - ngành liên quan sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các quy định, chế độ và nghiệp vụ chuyên môn để bảo đảm việc thực hiện ở các nơi thống nhất, đồng bộ. Tuy nhiên, các quận huyện cho đến giờ vẫn khẳng định “phải có ý kiến chính thức từ thành phố”…

Về thay thế xe chở rác, theo đề xuất của Sở TNMT, sẽ chuyển các xe tự chế thành các loại xe đẩy tay, xe tải dưới 1 tấn và xe ép loại 2 tấn. Các hộ thu gom rác dân lập cũng sẽ được ngân sách nhà nước cho vay vốn với lãi suất 0%, trả chậm trong ba năm đối với loại xe 660 lít và trong bốn năm đối với xe tải nhỏ. Tuy nhiên, theo một cán bộ Sở TNMT, giá xe 660 lít ngót nghét 6 triệu đồng/chiếc, xe tải dưới 1 tấn khoảng 140 triệu đồng/chiếc. Xe thì không thiếu nhưng không phải người thu gom rác nào cũng có nổi số tiền trên để mua, kể cả là đi vay bởi khả năng trả nợ của họ là rất thấp.

Mặt khác, theo dự thảo đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế, lộ trình chuyển đổi các loại xe của người tàn tật, xe thu gom rác, chất thải vệ sinh và xe cơ giới 3 bánh có đăng ký biển số phải kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 12-2008; còn đối với nhóm xe không có biển đăng ký thì lộ trình chuyển đổi phải kéo dài đến hết năm 2009. Trong khi đó, theo quy định của UBNDTP, chỉ còn 3 ngày nữa là các loại xe trên bị cấm lưu hành (nếu trong 3 ngày tới UBNDTP vẫn không có quyết định nào khác!).

Trước thời hạn cấm đã cận kề, hàng chục ngàn chủ xe 3, 4 bánh tự chế đang nóng lòng trông chờ vào quyết định cuối cùng của UBNDTP. Và tiếp đó, là sự sớm thông qua đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế của UBNDTP để các chủ xe có điều kiện thay thế phương tiện hoặc chuyển đổi nghề phù hợp để tiếp tục mưu sinh…

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục