“Lười” đăng ký sáng chế

Tại buổi tọa đàm về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) mới đây, Cục SHTT của Bộ KH-CN cho biết trong năm 2014 chỉ có 487 đơn đăng ký độc quyền sáng chế của các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam gửi đến cục xin được cấp bằng bảo hộ; trong khi số đơn đăng ký của các tổ chức, cá nhân nước ngoài lên đến 3.960 đơn. Và trong năm 2014 có 1.368 tổ chức, cá nhân được cấp bằng sáng chế, trong đó chỉ có 36 tổ chức, cá nhân trong nước, chiếm 2,26%, còn lại là của nước ngoài. Nếu tính theo số đơn đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế, con số còn “thê thảm” hơn, với 5 trường hợp, thấp hơn so với năm 2013 là 12 đơn vị.

Tại buổi tọa đàm về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) mới đây, Cục SHTT của Bộ KH-CN cho biết trong năm 2014 chỉ có 487 đơn đăng ký độc quyền sáng chế của các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam gửi đến cục xin được cấp bằng bảo hộ; trong khi số đơn đăng ký của các tổ chức, cá nhân nước ngoài lên đến 3.960 đơn. Và trong năm 2014 có 1.368 tổ chức, cá nhân được cấp bằng sáng chế, trong đó chỉ có 36 tổ chức, cá nhân trong nước, chiếm 2,26%, còn lại là của nước ngoài. Nếu tính theo số đơn đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế, con số còn “thê thảm” hơn, với 5 trường hợp, thấp hơn so với năm 2013 là 12 đơn vị.

Giải thích cho tình trạng người Việt có quá ít bằng sáng chế, Cục SHTT cho rằng do chất lượng đơn đăng ký của người Việt Nam chưa tốt hoặc do chính sản phẩm, giải pháp của người Việt gửi đến cục không đạt được các tiêu chí để cấp bằng độc quyền sáng chế. Theo quy định, để được cấp bằng độc quyền sáng chế, sản phẩm phải có tính mới hoàn toàn, có sự sáng tạo cao và khả năng áp dụng quy mô công nghiệp. Trong khi đó, ở cấp thấp hơn là cấp bằng giải pháp hữu ích khi giải pháp đó chỉ cần có tính mới hơn trên nền giải pháp đã có, đã được ứng dụng. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ đơn được cấp bằng giải pháp hữu ích tăng đều qua các năm.

Một nguyên nhân khác được các chuyên gia SHTT thừa nhận là do việc nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế không đơn giản, rất tốn kém và mất thời gian. Đơn cử như để xin cấp bằng sáng chế ở Mỹ, chi phí trả cho việc xin cấp bằng khoảng vài ngàn đô la và mất từ 2 - 3 năm chờ xét duyệt. Nếu được cấp bằng thì phải đóng một khoản tiền khoảng 1.000 USD/năm trong vòng 20 năm. Với thu nhập trung bình của các nhà khoa học hiện rơi vào khoảng 400 - 500 USD/tháng, thì khoản phí kể trên vượt ngoài tầm. Trong khi đó, ở một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực hiện nay như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đa phần các sáng chế đều được các doanh nghiệp lớn chi trả.

Cục SHTT nhận định, trước tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng cả về tính chất cũng như mức độ vi phạm thì việc chủ động sáng chế và đăng ký bằng bảo hộ SHTT sẽ là “chiếc áo giáp” bảo vệ chính cá nhân hoặc doanh nghiệp, thông qua Luật SHTT.

Đứng về phía nhà nước, để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội đối với hoạt động SHTT trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ tiến hành tổ chức các cuộc thi sáng tạo KH-CN, diễn đàn sáng tạo..., kết hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ. Đồng thời, kết hợp với viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo để đưa thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với kết quả nghiên cứu, ứng dụng gần gũi và thân thiện hơn đối với chủ thể sáng tạo; tổ chức các sự kiện, giao lưu sáng tạo cho thanh thiếu niên (chủ yếu ở trường học) nhằm định hướng, cung cấp kiến thức cơ bản cho thanh thiếu niên về SHTT.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục