Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thể thao Việt Nam sẽ góp mặt tại đấu trường lớn nhất châu lục. Cũng như Olympic, Á vận hội (ASIAD hay Asian Games) diễn ra 4 năm một lần, và dù chỉ là khu vực châu Á nhưng hội tụ rất nhiều gương mặt thể thao hàng đầu thế giới, từ cái ao ĐNÁ (như cách gọi của các chuyên gia khi nói về SEA Games) các tuyển thủ Việt Nam đang chuẩn bị cho cuộc vượt sông ASIAD.
- Lượng tăng

Đoàn TTVN diễu hành tại Lễ khai mạc ASIAD 14-2002 ở Busan (Hàn Quốc). Ảnh: Hoàng Hùng.
Đoàn thể thao Việt Nam đến Doha (Qatar) vào tháng 12 tới với khoảng 354 thành viên, trong đó có 246 VĐV của 25 môn. Đây là lần ra quân đông nhất của thể thao Việt Nam tại đấu trường ASIAD và con số này gần gấp đôi so với 180 thành viên (125 VĐV) tại Busan cách đây 4 năm. Không chỉ Việt Nam, các đoàn thể thao khác (đặc biệt là các nước nghèo) đều tranh thủ đưa quân ra tranh tài với số lượng nhiều nhất có thể bởi nước chủ nhà Qatar đã rất hào phóng bao “trọn gói” chi phí ăn ở cho 45 đoàn trong thời gian diễn ra đại hội.
Tuy nhiên, không phải do chủ nhà “bao” ăn ở mà thể thao Việt Nam đưa quá nhiều VĐV sang tranh tài, mà cũng chỉ tuyển lựa những gương mặt có khả năng nhất để có thể vừa tranh tài, vừa cọ xát học hỏi chuyển bị cho các đại hội thể thao quan trọng khác và cái chính là không quá làm “mất mặt” thể thao Việt Nam trên đấu trường châu lục vì thành tích kém cỏi.
Chính vì thế mà Phó Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Trọng Hỷ và Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 Nguyễn Hồng Minh đã giám sát khá chặt quá trình tuyển lựa VĐV, đặc biệt là tại vòng chung kết Đại hội TDTT vừa qua bởi là cơ hội cuối để gút lại đang sách đăng ký sơ bộ trước khi gửi đến BTC ASIAD vào cuối tháng 9 vừa qua.
- Chỉ mong thêm được 1 vàng
Trong buổi gặp gỡ các thành viên Đoàn TTVN, Bộ trưởng-Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Danh Thái đã giao chỉ tiêu phải đoạt từ 5 HCV trở lên. So với 4 chiếc HCV của kỳ đại hội trước thì lần này chỉ tăng có 1, dù số lượng VĐV tham dự tăng gấp đôi và số môn cũng gần như thế (25 so với 16 môn của Asiad 14-2002). Thế nhưng, Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh đã cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy nhiệm vụ lại khó khăn như lần này. Hiện chúng ta chỉ có 12 đến 20 VĐV đủ khả năng tranh HCV, 20 VĐV có thể tranh HCĐ. Trong khi đó, Đại hội lần này thu hút 13.000 VĐV, hơn 100 nhà vô địch thế giới và Olympic”.
Tại ASIAD sắp tới, hy vọng đoạt vàng của thể thao Việt Nam chỉ tập trung vào các môn: Wushu, Karatedo, Taekwondo, cử tạ, thể hình, Billiards. Trong đó Karatedo, Taekwondo, thể hình, Billiards là đã có vàng ở những kỳ đại hội trước, riêng Wushu dù rất được kỳ vọng nhưng bao lần đãi vàng mà chỉ được toàn bạc. Vả lại hầu hết các môn “hy vọng vàng” của Việt Nam đều mang nặng cảm tính nên càng mong manh. Đó là chưa kể tại Đại hội TDTT vừa qua, phong độ của các tuyển thủ một số môn có phần sa sút đáng kể khiến BHL càng thêm phần lo lắng.
- Bao giờ hết đuối ?
Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh đã thổ lộ: “Từ ASIAD 14 trở về, tôi đã nghĩ rằng thể thao Việt Nam rất khó mới lập lại được thành tích tuyệt vời ấy”, thành tích ấy là 4HCV, 7HCB, 7HCĐ và xếp hạng 15 tổng sắp. Cũng từ sau đại hội ấy cho đến nay đã 4 năm trôi qua, thể thao Việt Nam xem ra vẫn chưa có kế hoạch nào cụ thể để phát triển và vươn xa hơn cái mốc đã đạt được, dù đã có nhiều định hướng lẫn đề án nhưng rồi đều phá sản vì nhiều lý do. Một số người trong ngành đã nói thẳng: “Tầm nhìn của thể thao Việt Nam còn quá ngắn và mang nặng tính thời vụ nên hầu như chỉ tập trung vào đấu trường khu vực là SEA Games chứ chưa dám nhìn xa để có những kế hoạch cụ thể hơn”.
Ngay cả phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái: “Đến năm 2009 khi SEA Games 25 tổ chức tại Lào, chúng ta sẽ vươn lên số 1 Đông Nam Á” cũng khiến nhiều người phải suy tư. Vươn lên như thế nào và phát triển ra sao khi hiện nay đối thủ số một về thể thao của Việt Nam là Thái Lan rất mạnh và đồng đều ở hầu hết các môn thể thao cơ bản như điền kinh, bơi lội, thể dục, bóng đá, quần vợt... và đã vươn tầm lên đẳng cấp châu lục và thế giới, trong khi chúng ta vẫn còn ở mức “ăn xổi ở thì”.
Xem ra các VĐV Việt Nam sẽ còn rất đuối ở những cuộc vượt sông cấp châu lục như ASIAD nếu không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và dài hơi về nhiều mặt.
ĐỖ TUẤN